Giám sát cho vay tại các khu vực sốt đất


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản số 2438/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai công tác tín dụng năm 2019.

Hệ thống Ngân hàng tăng cường giám sát cho vay tại các khu vực sốt đất.
Hệ thống Ngân hàng tăng cường giám sát cho vay tại các khu vực sốt đất.

Đồng thời, Thống đốc yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, khu vực có hiện tượng sốt đất.

Cùng với đó, Thống đốc yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2019 phù hợp với giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN; tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động…

Cùng với việc thực hiện các chương trình tín dụng, văn bản nêu rõ, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng có dư nợ lớn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng tăng trưởng xanh…

Cũng theo văn bản này, NHNN các tỉnh, thành phố cần thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Trong trường hợp cần thiết, tình hình có biến động bất thường, các đơn vị chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thống đốc biện pháp xử lý.