Giãn thời hạn siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

Việc giãn thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp.

Giãn thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ  tạo điều kiện để các ngân hàng hỗ trợ DN. Nguồn: internet
Giãn thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng hỗ trợ DN. Nguồn: internet

NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Nội dung chính của dự thảo lần này là xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn.

Theo chia sẻ của cơ quan soạn thảo, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ mức 40% về 37% kể từ ngày 1/10/2020 theo lộ trình tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm. Do đó, để đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng, NHNN thấy rằng có thể xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn theo hai phương án.

Phương án 1, lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 6 tháng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2021: 40%; từ 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022: 37%; từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/3/2023: 34%; từ ngày 1/4/2023: 30%.

Phương án 2 là lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 1 năm, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; từ ngày 1/10/2023: 30%.

Giới chuyên môn đánh giá việc đặt ra vấn đề lùi lại thời hạn áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là phù hợp. TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, sự linh hoạt này cần thiết để hỗ trợ các DN và bản thân các ngân hàng. Yếu tố nữa cần phải tính đến nữa là Chính phủ đang muốn thúc đẩy đầu tư công, trong đó vốn ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng. Chưa kể, việc hỗ trợ phục hồi kinh tế tại một số lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn trung dài hạn.

Có quan điểm tương đồng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, đề xuất trên của NHNN là phù hợp. Dù đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không vướng mắc với nhiều ngân hàng; nhưng trong bối cảnh hiện nay nhu cầu vay vốn trung dài hạn của nền kinh tế nhiều hơn, nhất là thời điểm này lãi suất đang hấp dẫn, các DN muốn có gói vay trung dài hạn nhiều hơn. Thực tế chứng minh 6 tháng đầu năm vừa qua tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn. Vấn đề nữa, theo TS. Lực, tuy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào, nhưng nếu muốn ngân hàng hỗ trợ DN nhiều hơn thì cần phải tháo gỡ phần nào những khó khăn cho TCTD.

Theo PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lãi suất huy động đang ở mức thấp, trong khi các kênh đầu tư khác lợi nhuận cao hơn khiến người gửi tiền đang có sự so sánh phần nào ảnh hưởng đến kênh gửi tiết kiệm. Đứng trước tình hình khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn bền vững hơn nên việc lùi lại thời hạn áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tạo độ trễ cho ngân hàng có thêm thời gian áp dụng chính sách tốt hơn.

Khẳng định lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho trung, dài hạn của NHNN theo Thông tư 22 là rất tốt giúp lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản ngân hàng tốt hơn, nhưng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có thể cân nhắc lùi lại thời hạn áp dụng tỷ lệ trên để ngân hàng có thể hỗ trợ cho phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Về thời hạn lùi, giới chuyên môn đánh giá là NHNN đã đánh giá khá sát tình hình thực tế, cân đo đong đếm kỹ càng để đưa ra thời gian cho phù hợp. Vì tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ bên ngoài. Theo đó, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. DN trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động…

Do đó, giới chuyên môn cho rằng, việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho TCTD hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Việc lùi trong bao lâu cần có sự căn chỉnh khéo léo cân bằng để vừa đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hoá theo các chuẩn mực quốc tế, hạn chế rủi ro vừa hỗ trợ tích cực nền kinh tế.