Góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Ngô kiến

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động và tích cực xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và gửi xin ý kiến rộng rãi đối với các nội dung của Dự thảo Nghị định này.

Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về TTKDTM đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động thanh toán trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ TTKDTM trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán, đòi hỏi các quy định về TTKDTM hiện hành cần tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện.

Thực hiện theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, NHNN đã chủ động và tích cực xây dựng Dự thảo Nghị định và gửi xin ý kiến rộng rãi đối với các nội dung của Dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định nhận được sự quan tâm và tham gia ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, NHNN đã nhận được ý kiến của hầu hết các bộ, ngành có liên quan; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội và tổ chức khác (với gần 80 ý kiến).

Đa số ý kiến đồng thuận, đánh giá cao các nội dung tại Dự thảo Nghị định, tuy nhiên cũng có một số ý kiến khác xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp; quy định hoạt động đại lý thanh toán; quy định nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế - những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định…

Trên cơ sở ý kiến góp ý đối với các nội dung của Dự thảo Nghị định, hiện NHNN đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Theo chương trình công tác, NHNN sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về TTKDTM phê duyệt trong tháng 6/2020.