Hóa giải sức ép lãi suất, tỷ giá năm 2019

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

NHNN sẽ kiểm soát cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2019 nhiều khả năng định hướng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục mang tính thận trọng. Nguồn: internet
Năm 2019 nhiều khả năng định hướng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục mang tính thận trọng. Nguồn: internet

Lạm phát ổn định nhờ chính sách tiền tệ thận trọng

Đánh giá tổng quan kinh tế vĩ mô năm 2018, tại Báo cáo cập nhật “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô và dự báo 2019” CTCK Quân đội (MBS) nhìn nhận, tăng trưởng GDP Việt Nam  trong năm 2018 đạt tới 7,08%, cao hơn so với mức tăng 6,81% của năm 2017. Nhiều khả năng, tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì mức độ ổn định quanh mức 6,8%.

Năm 2018 NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm và duy trì đến hết năm. Tính đến 20/12/2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,3%, ước tính cả năm chỉ ở mức dưới 16%. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Nhưng xét trên tổng thể, mức tăng trưởng này đều được giới chuyên môn đánh giá khá hợp lý. Điều quan trọng đối với tín dụng, theo nhận xét của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, không phải là nhiều hay ít, mà là chất lượng của dòng vốn đó. Theo hướng đó chỉ cần điều chỉnh làm sao để dòng vốn đó đi vào sản xuất kinh doanh, tránh những lĩnh vực có quá nhiều rủi ro bất động sản, đầu cơ chứng khoán…

Theo số liệu cập nhật của MBS, tỷ giá USD/VND tuy tăng 2,6% so với đầu năm do áp lực tăng giá của USD trên thị trường tiền tệ thế giới, nhưng nhìn chung vẫn được duy trì ổn định trong năm 2018 nhờ NHNN áp dụng chính sách điều hành linh hoạt chính sách thông qua cơ chế tỷ giá trung tâm và bắt đầu can thiệp vào thị trường bằng việc bán ra USD để ổn định tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, chủ trương kiên định giữ lãi suất tiết kiệm USD ở mức 0% tiếp tục phát huy hiệu quả trở thành yếu tố tích cực hỗ trợ điều hành tỷ giá. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi VND với USD vẫn giữ ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức hợp lý, khuyến khích người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm không gian duy trì mức tỷ giá hợp lý.

Theo MBS với nguồn cung USD khá dồi dào khi cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 và dự trữ ngoại hối vẫn duy trì ở mức cao 63,5 tỷ USD là những yếu tố đã tạo dư địa hỗ trợ tỷ giá. “Mặc dù không được ổn định như năm 2017, song diễn biến tỷ giá trong năm 2018 là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam khi các quốc gia trong khu vực phải hạ giá mạnh đồng nội tệ trước áp lực tăng của đồng USD”, MBS nhận định.

Kiểm soát chặt cung tiền

Với cách thức điều hành trong năm qua, MBS cho rằng, năm 2019 nhiều khả năng định hướng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục mang tính thận trọng. Thông điệp xuyên suốt được nhà điều hành đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất. Tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 15%; tăng trưởng cung tiền được định hướng ở mức 14 - 15% (đều thấp hơn năm 2017 và 2018). Một trong những yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được MBS dự báo đó là quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của NHTM giảm xuống còn 40%. Quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động vốn của các NHTM tăng lên. Nếu không huy động được như kỳ vọng chắc chắn làm giảm khả năng tăng trưởng tín dụng của các NHTM.

Về tỷ giá, theo đánh giá của MBS sức ép có phần nào không căng thẳng như năm 2018. Áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới có khả năng tăng lên khi USD có xu hướng tăng lên trên thị trường toàn cầu. Biểu hiện qua chỉ số USD-Index tăng từ mức 91,67 điểm lên 97 điểm. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá cũng không quá mạnh và nhiều khả năng sẽ giảm khi quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Fed đã đến giai đoạn cuối và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ suy giảm mức độ tăng trưởng. Dự báo chỉ số USD-Index duy trì quanh mức 97 điểm và đây có thể là mức đỉnh ngắn hạn của đồng bạc xanh. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ trong nước hiện tại khá dồi dào nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất siêu khá và các thương vụ bán vốn nhà nước.

Với áp lực gia tăng USD ở mức vừa phải, MBS đánh giá, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ chỉ biến động nhẹ trong năm 2019 ở mức quanh 2% nhằm cân đối hai mục tiêu ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

“Định hướng của NHNN là sẽ điều hành tỷ giá theo sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Tỷ giá sẽ không được neo cứng mà diễn biến linh hoạt hàng ngày và sẽ không có các diễn biến tăng giảm sốc như trong quá khứ. Tóm lại, trong năm 2019, NHNN hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định”, MBS dự báo.

Cùng chung quan điểm, CTCK SSI cũng cho rằng, nhờ đã trải qua giai đoạn khó dự đoán nhất là thời điểm mới nổ ra chiến tranh thương mại, các thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lý sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Mức độ biến động của tỷ giá USD/VND năm 2019 vì vậy sẽ chỉ xấp xỉ như 2018, ít có khả năng xảy ra những diễn biến giật cục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Về sức ép tăng lãi suất trong năm 2019, theo đánh giá của MBS là có thể xảy ra nhưng không tăng mạnh do thanh khoản hệ thống dồi dào và NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ 0,1 - 0,3%. Còn lãi suất điều hành sẽ có thể duy trì ở mức như hiện nay hoặc tăng nhẹ 0,25% do quan điểm thận trọng của NHNN.

Với định hướng nêu trên, dù áp lực từ lạm phát, tỷ giá không phải quá lớn nhưng giới chuyên môn nhận định, NHNN sẽ kiểm soát cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. “Chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ điều hành như các quý cuối năm 2018 và tiếp tục chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý”, MBS dự báo.