Hoạt động Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho khu vực doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đánh giá sau một năm triển khai thực hiện Luật cho thấy, một số chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được triển khai do quy định pháp lý chưa hoàn thiện; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc… Bài viết nghiên cứu thực trạng triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay và đề xuất giải pháp nhằm giúp khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển ấn tượng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cả nước hiện có khoảng 600.000 DNNVV, chiếm khoảng 97% số DN đang hoạt động, hàng năm tạo ra gần 60% việc làm, 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP và 29,3% cho ngân sách nhà nước. Mặc dù có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng khu vực DN này vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình duy trì và phát triển. Một trong những trở ngại lớn là khả năng tiếp cận vốn vay từ nguồn chính thức của đối tượng này.
Xác định được tầm quan trọng của việc tiếp cận tín dụng đối với sự tồn tại và phát triển của DNNVV, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Cụ thể, về mặt pháp lý, Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội ban hành vào tháng 6/2017, trong đó quy định rõ việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho các DNNVV thông qua chính sách tăng dư nợ cho vay theo từng thời kỳ và cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Về nguồn cung vốn, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng tích cực và chủ động tiếp cận khu vực DNNVV để cho vay và báo cáo định kỳ thực trạng và khó khăn liên quan để tìm giải pháp khắc phục.
Khung chính sách, pháp luật về tín dụng và hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV đang từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn nhằm tháo gỡ các khó khăn cho DN phát triển. Theo Luật Hỗ trợ DNNVV, các DNNVV sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng dưới các hình thức sau:
Khuyến khích TCTD cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
- DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
- DNNVV được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV.
Dưới Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn, tháo gỡ các khó khăn và tăng thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho DNNVV. Cụ thể như Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã quy định chặt chẽ và có nhiều điểm mở về điều kiện được Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNNVV xem xét cấp bảo lãnh khi các DN đáp ứng đủ các điều kiện như:
(i) Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 tỷ đồng;
(ii) DN có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay;
(iii) Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ Bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP;
(iv) Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% (quy định cũ tối thiểu 15%) tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ Bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh;
(v) Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, DN phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp; Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP. Quy định mới cũng bỏ yêu cầu đối tượng được bảo lãnh phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn theo cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM) được thực hiện thông qua một số kênh như:
Đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương
Bộ Tài chính đã có Thông tư số 147/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tuy nhiên, để hướng dẫn theo quy định mới về bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV, Bộ Tài chính đã phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan xây dựng các quy định hướng dẫn để quỹ bảo lãnh tín dụng đi vào hoạt động.
Đối với hoạt động bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)
Tính đến hết tháng 2/2019, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%).
Bộ Tài chính đã có Thông tư số 47/2014/TT-BTC ngày 22/4/2014 hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại NHTM, trong đó hướng dẫn cụ thể về quyền và nghĩa vụ của 3 bên trong quan hệ bảo lãnh, từ chối bảo lãnh và gia hạn nợ cho các khoản DN nhận nợ bắt buộc với VDB. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với VDB đánh giá, rà soát tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn vay NHTM. Tuy nhiên, với các quy định mới, cần phải có hướng dẫn cụ thể để Quỹ Phát triển DN hoạt động hiệu quả.
Khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho DNNVV huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Cùng với sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 130/2012/TT-BTC ngày 10/8/2012 hướng dẫn việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phếu của công ty đại chúng và Thông tư số 204/2012/TT-BTC hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng… để giúp DN dễ dàng hơn khi thực hiện các thủ tục trong quá trình huy động vốn.
Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV đang được hoàn thiện theo các quy định mới của Luật Hỗ trợ DNNVV. Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và NHNN cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các cơ chế, quy định cụ thể đối với hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV. Hiện tại, cơ cấu tổ chức và bộ máy của Quỹ đang được cơ cấu lại để phù hợp với các quy định mới của Luật Hỗ trợ DNNVV. Thống kê quá trình triển khai hoạt động thúc đẩy DNNVV tiếp cận nguồn vốn của Quỹ, tính đến tháng 4/2017 đã có trên 1.000 lượt DNNVV tiếp cận trực tiếp với Quỹ để tìm hiểu các chương trình hỗ trợ thông tin về các DNNVV đủ điều kiện đã được Quỹ chuyển cho ngân hàng nhận ủy thác thẩm định phương án vay vốn.
Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận tín dụng qua hệ thống NHTM cũng dần hoàn thiện nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2018, tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017. Số liệu báo cáo từ các TCTD đến hết tháng 2/2019 cũng cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay DNNVV tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%).
Cùng với các kênh trên, khá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nói chung và hỗ trợ tín dụng cho DNNVV nói riêng đã được xây dựng và triển khai như: Chương trình ưu đãi tài chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ; Chương trình bảo lãnh vay vốn cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các DNNVV từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia…
Tồn tại, khó khăn và những vấn đề đặt ra
Mặc dù, cơ chế chính sách đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên, đánh giá thực tế cho thấy, khu vực DN này vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, bởi do các nguyên nhân sau:
- Việc hướng dẫn các quy định pháp luật của các bộ, ngành và cơ quan liên quan đến hỗ trợ tiếp cận tín dụng của DNNVV còn triển khai chậm, thiếu tính khả thi. Mặc dù một số chính sách được ban hành từ nhiều năm trước, nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
- Một số TCTD chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao.
- Các TCTD chưa có các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến TCTD chưa thể giải ngân.
- Thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về DN, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV. Vì vậy, thiếu cơ sở cho các ngân hàng, TCTD đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn của các DNNVV.
- Nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo vị thế, thương hiệu trên thị trường; chủ yếu thanh toán tiền mặt nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền.
- DNNNV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, sản phẩm - dịch vụ và các gói của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các DNNVV, thời gian tới, ngoài tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cần đồng bộ các giải pháp, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và DNNVV. Đặc biệt, với vai trò là nơi cung ứng vốn cho nền kinh tế, NHNN cần chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với DN khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan…
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, để hỗ trợ phát triển DNNVV đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện các văn bản (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đặc biệt là các chính sách về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã được quy định tại Luật...
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;
- Chính phủ (2018), Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Đổi mới phương thức hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam;
- CIEM, ILSSA, DOE và UNU-WIDER (2005, 2007, 2009, 2011, 2013, 2015), Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam; Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (các năm 2005, 2007, 2009, 2011, 2013, 2015, 2016, 2017);
- Qũy Hỗ trợ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), “Hoạt động hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sau 01 năm chính thức hoạt động”;
- Phương Linh (2019), Tiếp tục mở rộng tín dụng có hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sbv.gov.vn.