Huy động vốn khó, ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Sau khởi đầu chậm chạp trong quý I, tháng 4 vừa qua, các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều gì đang thúc đẩy các nhà băng tăng cường vốn trung dài hạn?

Tháng 4 vừa qua, các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nguồn: internet
Tháng 4 vừa qua, các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nguồn: internet

Tăng tốc

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong quý I, các ngân hàng đã phát hành gần 983,5 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng chưa đến 3% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, sụt giảm mạnh so với mức tỷ trọng lên đến gần 39% của cả năm 2019.

Tuy nhiên, ngay trong tháng 4, một số ngân hàng đã bắt đầu tăng tốc phát hành trái phiếu để thu hút thêm vốn. Thống kê cho thấy, đã có hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu được các ngân hàng tung ra thị trường trong tháng vừa qua, gấp gần 10 lần so với trái phiếu phát hành trong cả quý I/2020.

Cụ thể, ngày 13 và 23/4/2020, HDBank đã phát hành thành công 1.050 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 3 năm, với lãi suất dao động từ 5,8%/năm - 6,5%/năm. Được biết, HĐQT HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu huy động vốn năm 2020 với tổng mệnh giá tối đa 10.000 tỷ đồng, do đó ngân hàng này sẽ còn phát hành thêm ít nhất 8.050 tỷ đồng trong thời gian còn lại của năm nay.

Đến ngày 15/4/2020, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, lãi suất cố định 6,6%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp.
BIDV tiếp tục là “ông lớn” trong “cuộc chơi” trái phiếu, khi chỉ trong 10 ngày cuối tháng 4 đã phát hành thành công hơn 5.900 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, từ ngày 20-23/4/2020, BIDV tung ra 2.202 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn, gồm 1.482 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm, 472 tỷ đồng trái phiếu 7 năm, 232 tỷ đồng trái phiếu 8 năm và 16 tỷ đồng trái phiếu 10 năm, với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +0,6 -1,2%/năm. Tiếp đến, từ ngày 27-29/4/2020, BIDV phát hành  3.702 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn, trong đó có 3.702 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 8 năm với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +0,6 -1,25%/năm.

Ngày 27/4/2020, một ngân hàng thương mại nhà nước lớn khác là Vietinbank đã ban hành nghị quyết về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu đợt 1 năm 2020 để tăng vốn số lượng 50 tỷ đồng với kỳ hạn 15 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +1,2%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 5/2020.

Trong khi việc huy động tiền gửi gặp nhiều thách thức, lựa chọn phát hành trái phiếu có thể được triển khai để thu hút khách hàng, do trái phiếu phát hành thường có kỳ hạn dài, không bị vướng bởi trần lãi suất nên có thể áp mức lãi suất cao để hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân.

Theo một số dự báo, sau khi khởi đầu chậm chạp trong ba tháng đầu năm, các ngân hàng lớn nhỏ sẽ tích cực đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu trong thời gian tới nhằm đảm bảo cân đối vốn cho các mục tiêu phát triển kinh doanh cũng như các quy định an toàn của Ngân hàng Nhà nước sắp sửa có hiệu lực.

Vì đâu?

Thực tế cho thấy việc huy động vốn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay gặp khá nhiều khó khăn, khiến tình trạng căng thẳng thanh khoản đang có dấu hiệu quay trở lại. Tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 14/4 chỉ đạt 0,55%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng là 0,74%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp, người lao động thất thu, cũng như tình trạng giãn cách xã hội đã khiến người dân ưu tiên nắm giữ tiền mặt. Trong khi đó, việc trần lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng tiếp tục giảm thêm 0,25% từ giữa tháng 3 cũng khiến kênh tiền gửi ngắn hạn kém hấp dẫn so với các tài sản khác đang “nổi sóng” như vàng, ngoại tệ hay chứng khoán. Hệ quả là vốn không còn chảy mạnh vào ngân hàng như trước đây, trong  khi sản xuất, kinh doanh đã mở cửa trở lại sau khi nới lỏng cách ly, dẫn đến nhu cầu vay vốn có thể sớm phục hồi.

Chính vì vậy, việc các ngân hàng phải tăng cường thêm vốn ngay từ lúc này là cần thiết. Trong khi việc huy động tiền gửi gặp nhiều thách thức, lựa chọn phát hành trái phiếu có thể được triển khai để thu hút khách hàng, do trái phiếu phát hành thường có kỳ hạn dài, không bị vướng bởi trần lãi suất nên có thể áp mức lãi suất cao để hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân, nhất là khi xu hướng trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân rót tiền trong thời gian qua.

Nếu trái phiếu phát hành có kỳ hạn lớn hơn 5 năm sẽ đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2, giúp vốn tự có của các ngân hàng tăng lên và cải thiện hệ số an toàn vốn. Điều này là rất quan trọng vì trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, việc tăng thêm vốn điều lệ là không hề đơn giản. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã tăng mạnh được vốn điều lệ, như BIDV trong năm 2019 đã giúp hạn mức phát hành trái phiếu do theo quy định vốn tự có cấp 2 chỉ được tối đa bằng vốn cấp 1.

Điều cần lưu ý là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm kể từ ngày 1/10/2020, theo đó nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn sẽ tiếp tục là áp lực đè nặng lên hoạt động của các nhà băng.

Như vậy, với thời gian còn chưa đầy 5 tháng, có lẽ việc tăng cường phát hành trái phiếu để có thêm nguồn vốn trung, dài hạn ngay từ lúc này là hợp lý.