Khắc chế rủi ro khi thanh toán qua ví điện tử

Hải An

Ví điện tử đang là phương thức thanh toán hiện đại, tiện ích. Tuy nhiên, việc sử dụng ví điện tử hiện nay cũng có một số hạn chế cần được khắc phục.

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng

Ví điện tử là một phương tiện trung gian thanh toán cho người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ví trên internet để thực hiện các giao dịch mua bán. Ví điện tử có nhiều thuận lợi phát triển tại thị trường Việt Nam khi nước ta nằm trong top 20 quốc gia có người dân sử dụng internet nhiều nhất. Số người dùng internet chiếm khoảng 52% dân số và khoảng 55% dân số dùng điện thoại thông minh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện cả nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử như: MoMo, AirPay, ZaloPay, Vimo, VTCPay, SenPay, Ví TrueMoney, Moca... và khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng. Mỗi loại ví điện tử đi theo phân khúc khách hàng riêng biệt nhưng có một điểm chung ví điện tử không thu phí giao dịch và đặc biệt luôn khuyến mãi trực tiếp bằng tiền cho người dùng.

Ví điện tử đáp ứng cơ bản nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Hình thức nạp tiền và thanh toán ví điện tử khá đa dạng, nhanh chóng, tiện lợi bao gồm cả các website lẫn các ứng dụng di động.

Tiện ích của ví điện tử làm người dân thay đổi hành vi thanh toán khi mua sắm. Nếu như người dùng thẻ ngân hàng thanh toán tại điểm bán mất công cà thẻ vào máy chấp nhận thẻ (POS); người dùng thẻ thanh toán trên internet banking mất thời gian nhập mã OTP xác nhận chủ thẻ thì bằng phương thức thanh toán ví điện tử, người dùng chỉ cần xác thực mật khẩu hoặc vân tay trên các thiết bị điện thoại hoặc sao chụp mã QR Code gắn trên hàng hóa dịch vụ. Hơn nữa, các loại ví điện tử rất thuận tiện cho việc thanh toán những món hàng có giá trị nhỏ lẻ, người mua hàng không cần phải chờ người bán trả lại tiền thừa trong quá trình giao dịch.

Tuy nhiên, việc sử dụng ví điện tử hiện nay cũng có một số hạn chế bởi thói quen tiêu dùng mà đa số người dân Việt Nam vẫn dùng hình thức chuyển tiền trực tiếp khi nhận hàng (COD); Người sử dụng chưa tin tưởng vào dịch vụ do không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa dịch vụ được giao dịch qua mạng; Thiếu các thông tin về các loại vi, cách thức sử dụng và những tiện ích mà ví điện tử mang lại; Tính bảo mật chưa cao...

Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán qua ví điện tử vẫn chưa hoàn chỉnh. Nói cách khác chưa có chế tài hay bộ luật nào quy định về pháp lý của ví điện tử và những rủi ro.

Trước thực tế này, để tạo thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế khi giao dịch thanh toán được thực hiện mà không dùng tiền mặt, trong khi vẫn phải bảo đảm an ninh, an toàn và phòng chống rửa tiền, NHNN đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Tại Dự thảo, NHNN đã bổ sung nhiều quy định mới theo hướng kiểm soát việc mở tài khoản ví, quy định hạn mức giao dịch… Cụ thể như yêu cầu người dùng phải hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ATM "chính chủ" mở tại ngân hàng tại Việt Nam trước khi kích hoạt ví để sử dụng.

Đáng lưu ý, Dự thảo thông tư quy định cụ thể hạn mức giao dịch của khách hàng cá nhân và tổ chức khi sử dụng ví điện tử. Theo đó, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; hạn mức giao dịch của tổ chức qua ví tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví; Cấm sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận; cấm mua bán, cho thuê, chuyển nhượng ví…