Khó xử lý nợ quá hạn cho vay mua ô tô

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Mảng kinh doanh cho vay mua ô tô vẫn được coi là tiềm năng và có sự tranh giành thị phần quyết liệt giữa các nhà băng. Tuy nhiên, sau thời gian phình to về quy mô dư nợ cho vay, có ngân hàng bắt đầu than khổ khi xử lý nợ quá hạn.

Mảng kinh doanh cho vay mua ô tô đang có sự tranh giành thị phần quyết liệt. Nguồn: Internet
Mảng kinh doanh cho vay mua ô tô đang có sự tranh giành thị phần quyết liệt. Nguồn: Internet

Giám đốc quản trị rủi ro một ngân hàng chia sẻ, theo quy định, những ô tô mua trả góp buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc tại ngân hàng, còn việc quản lý tài sản đảm bảo là xe ôtô giao cho khách hàng.

Vì vậy, trường hợp khách hàng mang ôtô đi thế chấp chỗ khác thì ngân hàng sẽ không biết. Khi khoản vay quá hạn, bị chuyển nhóm nợ, phía ngân hàng muốn xử lý tài sản đảm bảo không hề đơn giản.

Cạnh tranh cho vay

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mảng cho vay mua ôtô tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh, sức mua của người tiêu dùng được cải thiện và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Đáng lưu ý, trước đây chỉ một vài ngân hàng quan tâm, nhưng đến nay dịch vụ cho vay mua xe hơi được coi là lĩnh vực tiềm năng mà không nhà băng nào muốn bỏ qua, thậm chí tranh giành thị phần khốc liệt.

Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh cho thấy, thị phần cho vay mua ô tô hiện do 5 nhà băng nắm giữ chủ yếu là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Trong đó, VIB có nhiều lợi thế hơn, với tốc độ tăng trưởng cao lên tới khoảng 30%.

Hầu hết các ngân hàng liên tục duy trì các chương trình ưu đãi, khuyến mãi về lãi suất với nhiều gói vay hấp dẫn, thậm chí chia nhỏ nhiều gói vay, từ nhu cầu mua xe ôtô mới, xe cũ để tiêu dùng đến cho vay mua ôtô để kinh doanh… nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng.

Cùng với đó, quy trình cho vay, thủ tục hồ sơ cũng được đơn giản hóa và nhanh chóng hơn trước. Nhiều ngân hàng có thể cho vay tối đa lên tới 90% giá trị xe, thời gian vay tối đa 8 năm và cam kết duyệt cho vay "tốc độ" chỉ trong vòng 8-24 giờ kể từ lúc nhận hồ sơ, lãi suất dao động 7-13%/năm.

Tuy nhiên, sau thời gian phình to về quy mô dư nợ cho vay, phân khúc này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt ở khâu xử lý nợ quá hạn.

Giám đốc pháp chế một ngân hàng cho hay, trong khi quy trình xử lý tài sản thế chấp là bất động sản mất khá nhiều thủ tục và thời gian thì xe ô tô lại có khả năng xử lý, chuyển nhượng đơn giản và nhanh chóng hơn. Các tranh chấp về sở hữu ô tô cũng không phức tạp như với bất động sản. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập khi xuất hiện các khoản nợ xấu.

Vị giám đốc này cho biết, đa phần khách hàng đã mua ôtô thường có nhân thân tốt, trả nợ tương đối đều đặn. Tuy nhiên cũng có khi gặp phải khách hàng cố tình lừa, hoặc có trường hợp khách hàng khó khăn quá mang xe đi cầm cố chỗ khác, chủ yếu là ở các hiệu cầm đồ.

Rủi ro thu hồi nợ xấu

"Chúng tôi đã từng phát hiện ra có khách hàng mang xe là tài sản đảm bảo đi cầm cố ở nhiều cửa hàng cầm đồ khác nhau. Việc thu hồi tài sản đảm bảo ở những trường hợp này vô cùng khó khăn", vị giám đốc này cho hay.

Với những trường hợp trên, việc xử lý tài sản đảm bảo phải có sự phối hợp của các bên. Các bên cùng thỏa thuận được là cách tốt nhất, còn nếu không phải nhờ đến toà án, nhưng quy trình xử lý cũng gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Trong khi đó, một cán bộ tín dụng của ngân hàng có thị phần cho vay mua ô tô lớn cho biết đã từng mất gần hai tháng đi khắp nơi để tìm khách hàng, thậm chí phải lang thang đeo bám đến mấy tỉnh mới tìm ra tung tích của xe đang thế chấp.

Tuy nhiên, sau khi tìm được tài sản đảm bảo, việc thanh lý lại không dễ dàng. Cán bộ tín dụng này cho biết, khách hàng vay đến 85% giá trị xe, do quá trình sử dụng đã thế chấp nhiều lần, giá trị xe chỉ còn 70%, nên việc rao bán xe rất khó khăn để thu về đủ cả gốc và lãi quá hạn. Chưa kể, ngân hàng còn phải bỏ một khoản chi phí khá lớn cho cán bộ tín dụng đi thu hồi xe.

Cùng với đó, để tăng cạnh tranh, nhà băng chi hoa hồng cho các đại lý hay showroom bán xe 0,7-1% để giữ mối, trong khi lãi suất cho vay lại không vượt qua so với mặt bằng chung, thông thường là 7-9% cho năm đầu tiên và khoảng 11- 13% cho những năm tiếp theo.

Thực trạng này dẫn tới câu hỏi là tại sao các nhà băng vẫn đẩy mạnh cho vay mua ôtô, dù rủi ro không hề nhỏ?

Một chuyên gia cho rằng bên cạnh mảng kinh doanh dịch vụ, mảng cho vay tiêu dùng đang mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, trong đó có đóng góp không nhỏ từ mảng cho vay mua ôtô.

"Mảng cho vay bất động sản đang bị siết, để duy trì tăng trưởng và thu hẹp khoảng cách với nhóm ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu gia tăng thị phần ở mảng cho vay mua ô tô. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng phải siết chặt việc xem xét hồ sơ trước khi cho vay", chuyên gia này khuyến nghị.