Khơi dòng kiều hối cuối năm

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Cơ chế thông thoáng, không phải mất bất cứ khoản phí nào, ngược lại người chuyển tiền còn nhận được nhiều chương trình khuyến mãi, những yếu tố này đã “khơi dòng” giúp nguồn kiều hối chảy về Việt Nam tăng vọt dịp cận Tết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết lượng giao dịch kiều hối cá nhân tiếp tục tăng trưởng hơn 70% trong tháng áp Tết. Năm 2019, lượng kiều hối cá nhân chuyển về thông qua ngân hàng tăng rất tốt - khoảng 60% so với năm 2018.

Nhà băng rầm rộ khuyến mãi

Còn gần một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã chuẩn bị nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thậm chí lập website, công ty riêng cho dịch vụ kiều hối.

Theo đó, BIDV, Sacombank, SCB, TPBank… triển khai chương trình truyền thống nhằm hút khách gửi tiền tiết kiệm; MB dành quà tặng lớn cho khách hàng nhóm tín dụng. Nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, Agribank cũng tập trung các chương trình khuyến mãi quà tặng cho dịch vụ này.

Cụ thể, Agribank triển khai chương trình “Giao dịch như ý - Trúng quà phú quý” bắt đầu từ 23/12/2019 đến hết ngày 16/2/2020, với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 400 triệu đồng.

Mỗi khách hàng mới đăng ký mở dịch vụ Agribank E-Mobile Banking sẽ được tặng thẻ điện thoại trị giá 100.000 đồng, áp dụng cho 350 khách hàng đầu tiên của mỗi tuần phát sinh giao dịch và thanh toán thành công. Đặc biệt, người tham gia sẽ nhận được một mã số dự thưởng tham gia quay số may mắn vào cuối chương trình, với giải nhất trị giá 1 cây vàng SJC và 20 giải nhì mỗi giải trị giá 1 chỉ vàng SJC.

Tương tự, từ ngày 16/12/2019 đến hết ngày 22/1/2020, BIDV triển khai chương trình ưu đãi “Kiều hối đón Tết - Gắn kết tình thân” dành riêng cho khách hàng nhận tiền kiều hối và bán ngoại tệ tại BIDV. Khuyến mãi áp dụng cho các giao dịch nhận tiền kiều hối qua kênh Swift và các kênh hợp tác với đối tác của BIDV như Western Union, Koronal Pay, BIDC.

Trong khi đó, Vietcombank triển khai chương trình khuyến mãi “Kiều hối trao tay - Nhận ngay xế hộp”, tri ân khách hàng nhận tiền kiều hối tại Vietcombank kể từ ngày 23/10/2019 - 22/1/2020 dành cho khách hàng cá nhân nhận tiền từ nước ngoài chuyển về qua các kênh chuyển tiền Swift, MoneyGram, UniTeller, TNMonex, Xoom, RIA, BP Remit và VCBR của Vietcombank trong thời gian khuyến mãi.

Theo ước tính của các chuyên gia, giao dịch kiều hối mùa Tết sôi động nhất so với các thời điểm khác trong năm và tăng khoảng 20% so với thời điểm thông thường.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết doanh số kiều hối từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020 cao điểm nhất mùa Tết năm nay với khoảng 195 triệu USD, tăng khoảng 15 triệu USD (tương đương 8,3%) so với cùng thời điểm năm trước, dù tháng 1 năm nay chỉ giao dịch 2 tuần.

Theo Dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 sẽ đạt 16,7 tỷ USD (tương đương 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so năm 2018. Dòng kiều hối về Việt Nam qua 26 năm đã tăng khoảng gần 120 lần, từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; đến năm 2018 vọt lên 16 tỷ USD.

Ngân hàng đua hút kiều hối cuối năm
Ngân hàng đua hút kiều hối cuối năm

 

Động lực cho đầu tư và phát triển

Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á và duy trì trong top 10 thế giới về thu hút kiều hối trong nhiều năm trở lại đây. Giai đoạn 2010 - 2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ CHí Minh, cho rằng nguyên nhân giúp cho nguồn kiều hối chảy mạnh về nước trong thời gian qua là nhờ cơ chế chuyển nhận kiều hối rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo đó, người nhận và chuyển kiều hối không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay bất cứ khoản phí nào, linh hoạt nhận rồi gửi vào tài khoản hoặc chuyển đổi ra tiền mặt...

Dự kiến, TP. Hồ CHí Minh sẽ hoàn thành kế hoạch đạt 5,2 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng khoảng 200 triệu USD so năm 2018.

Nguồn kiều hối chảy về nước vẫn chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo nhận định của ông Sheshagiri (Sukesh) Mailiah, Giám đốc Khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, Malaysia và Đông Dương của MoneyGram, dòng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm qua và sẽ tích cực trong năm nay, kể cả khi tình hình thế giới có nhiều biến động.

Nguồn kiều hối gửi về nước không chỉ giúp thân nhân Việt kiều có một cuộc sống tốt hơn, mà còn góp phần tạo động lực cho đầu tư, phát triển kinh tế Việt Nam. Đồng thời, nguồn kiều hối sẽ tác động tích cực đến thị trường, thúc đẩy mua sắm, tiêu dùng.