Không nên tăng trưởng tín dụng “ồ ạt”

Theo Thu Hoài/tbck.vn

Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng, riêng năm 2019, ưu tiên mức tăng trưởng cao hơn đối với các tổ chức thực hiện trước hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.

Vấn đề của ngân hàng không phải là được tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, mà là có huy động được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng hay không.
Vấn đề của ngân hàng không phải là được tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, mà là có huy động được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng hay không.

Được biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất được áp dụng trong năm 2019 khoảng 15%, còn mức trung bình mà hầu hết ngân hàng được áp dụng là 12%. Tuy vậy, một số ngân hàng vẫn đề nghị được “nới” tăng trưởng tín dụng.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, VIB đã có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước được tăng tín dụng 35% do VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên trên thị trường đạt tiêu chuẩn Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel đưa ra nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).

Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức thấp hơn cho VIB cũng không ảnh hưởng tới kế hoạch tăng trưởng của ngân hàng này.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) lại đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 20%. Đây cũng là mức tăng dư nợ cho vay khách hàng, trái phiếu các tổ chức kinh tế mà Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đặt ra năm 2019 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn với mức 15%, trong khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chỉ đưa ra 6-8% do đang chịu áp lực về nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu...

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ, vấn đề của ngân hàng không phải là được tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, mà là có huy động được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng hay không. Nếu ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp thì khó tăng trưởng tín dụng cao. Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng cao hay thấp là vấn đề nội tại của từng ngân hàng.

Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, kế hoạch tăng trưởng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130% GDP.

Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo. Thay vì tăng trưởng tín dụng “ồ ạt”, trong đó đẩy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, hay tiêu dùng, tín dụng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ bám sát tình hình phát triển kinh tế, thị trường tài chính - tiền tệ trong nước và quốc tế để điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cùng với đó là kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra...