6 tháng cuối năm:

Lãi suất huy động khó giảm và sẽ phân hóa mạnh

Theo Hoàng Oanh/baodauthau.vn

Nhu cầu huy động trên thị trường 1 trong 6 tháng cuối năm của các ngân hàng vẫn khá lớn. Do đó, lãi suất huy động khó có thể giảm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và tiếp tục phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Đó là nhận xét của nhóm nghiên cứu SSI Research tại Báo cáo về thị trường tiền tệ tuần từ 22/7 - 26/7.

Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ duy trì ổn định, dao động quanh 23.200đ/USD. Ảnh: Internet
Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ duy trì ổn định, dao động quanh 23.200đ/USD. Ảnh: Internet

Tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động

Số liệu từ nhóm nghiên cứu này cho biết, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều đặn hút ròng 5.000 tỷ đồng/phiên, riêng phiên thứ 6 là 2.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,75%/năm.

Thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng liên tục giảm về tiệm cận mức lãi suất tín phiếu, hiện ở mức 2,88%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,0%/năm với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp về mức 0,5%/năm.

Hiện tại đã có 16 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố kết quả kinh doanh Quý 2.2019, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2019 của các NHTM này là 33,1 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng Vietcombank (VCB) tăng trưởng 41%, phần còn lại tăng 23,6%. Điểm tương đồng của hầu hết các ngân hàng là tỷ trọng thu nhập từ lãi tăng lên do cho vay khách hàng tăng nhanh hơn huy động tiền gửi.

Tính chung 16 NHTM, tỷ trọng thu nhập từ lãi/ tổng thu nhập 6 tháng đầu năm là 75%, cao hơn so với mức 72% của cùng kỳ 2018; tăng trưởng cho vay khách hàng 6 tháng là 10% tính từ đầu năm đến nay trong khi tăng trưởng huy động tiền gửi chỉ là 8,3%.

Mặc dù còn thiếu một số ngân hàng có thị phần lớn như CTG, BID, VPB chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng kết quả của 16 ngân hàng thương mại cũng phản ánh nhu cầu huy động trên thị trường 1 trong 6 tháng cuối năm của các ngân hàng vẫn khá lớn, lãi suất huy động vì thế khó có thể giảm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và tiếp tục phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.

Thực tế, lãi suất huy động thị trường 1 tuần vừa qua có điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng do ảnh hưởng của diễn biến lãi suất trên thị trường 2, tuy nhiên hầu hết vẫn giữ nguyên ở các kỳ hạn còn lại, ghi nhận một vài ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Mức lãi suất hiện tại là 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6- dưới 12 tháng, 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Tỷ giá USD/VND sẽ duy trì ổn định

Trong tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm dù USD đang hồi phục khá mạnh trên thị trường quốc tế

Mặc dù xác suất FED cắt giảm lãi suất trong phiên họp 2 ngày tới vẫn giữ nguyên ở mức 100% nhưng chỉ số đô-la DXY tăng liên tục từ mức 97,1 điểm của tuần trước lên chạm mốc 98 điểm.

Đồng USD mạnh lên một phần là do các thông tin kinh tế tích cực của Mỹ như GDP Q2.2019 của Mỹ đạt mức tăng 2,1% so với quý trước đó, cao hơn 0,3% so với mức dự báo, thâm hụt hương mại và số đơn trợ cấp thất nghiệp giảm; một phần do sự bi quan gia tăng với nền kinh tế Châu Âu.

Chỉ số sản xuất PMI tháng 7 của Châu Âu ở mức 46,4 điểm, đánh dấu chuỗi 12 tháng giảm liên tiếp trong đó PMI của đầu tầu kinh tế là Đức giảm mạnh xuống 43,1 điểm, Anh và Italy là 48 và 48,4 – đều giảm so với mức trên 49 của tháng trước.

Bên cạnh đó, nguy cơ Brexit không thỏa thuận vẫn đang bao phủ khu vực này khi mà Thủ tướng mới của Anh, ông Boris Johnson là người có quan điểm khá cứng rắn. Đồng EUR và GBP mất giá lần lượt là 0,8% và 1% chỉ trong 1 tuần vừa qua, về mức 1,1128 USD/EUR và 1,2381 USD/GBP, đều đang ở vùng thấp nhất trong 2 năm gần đây.

Mỹ và Trung Quốc tái khởi động đàm phán từ 30/7, CNY dao động quanh mức 6,88 CNY/USD trong 1 tháng đình chiến. Giới quan sát cho rằng Mỹ - Trung Quốc khó có thể nhanh chóng phá vỡ thế bế tắc và quá trình đàm phán sẽ còn diễn ra trong thời gian dài.

Mặc dù đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế, chênh lệch lãi suất VND - USD cũng thu hẹp nhưng sự ổn định của đồng CNY và đặc biệt là nguồn cung ngoại tệ trong nước khá thuận lợi đã khiến cho VND tăng giá. Tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 35đ/USD trên ngân hàng, về mức 23.150/23.270; giảm 20đ/USD ở chiều mua vào và 25đ/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, về mức 23.200/23.210. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm lại tăng thêm 12đ/USD, về mức đỉnh 23.079đ/USD đã thiết lập ngày 10/7/2019.

Trong bối cảnh quốc tế chưa có nhiều biến động, đồng USD khó có thể tăng giá thêm đặc biệt là khi khả năng FED giảm lãi suất đang được hiện thực hoá, cung cầu ngoại tệ ổn định, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì ổn định, dao động quanh 23.200đ/USD.