Lãi suất huy động khó hạ nhiệt

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Cho đến khi các ngân hàng đáp ứng được các quy định về an toàn vốn trong hoạt động, lãi suất huy động trong năm nay sẽ khó giảm, kể cả khi thanh khoản hệ thống dồi dào và diễn biến thuận lợi trên thị trường liên ngân hàng.

Lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao trong ba tháng đầu năm. Nguồn: Internet
Lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao trong ba tháng đầu năm. Nguồn: Internet

Trước diễn biến lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao trong ba tháng đầu năm, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm doanh nghiệp (DN) khác nhau.

Diễn biến trái chiều

Theo dõi diễn biến thị trường có thể thấy, lãi suất huy động sẽ được điều chỉnh tăng khi thanh khoản eo hẹp, thường xảy ra vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, dịp Tết hoặc thời điểm hai tháng đầu năm – khi các ngân hàng triển khai kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới.

Tuy nhiên, dù đã kết thúc quý I/2019, lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng và hiện đã phân chia thành ba nhóm rõ rệt. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đang có lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường, kỳ hạn dưới 6 tháng hiện chỉ là 5 – 5,2%/năm, 6 – 9 tháng: 5,3 – 5,5%/ năm, 12 tháng trở lên: 6,8 – 6,9%/năm.

Huy động với lãi suất cao hơn một chút là nhóm các NHTM cổ phần có quy mô lớn như ACB, Sacombank, VPBank, Techcombank…, với hình thức gửi lãi suất tiết kiệm thông thường đang áp dụng khoảng 5,3 – 7,8%/năm (tuỳ theo kỳ hạn gửi).

Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất thuộc về các NHTM cổ phần có quy mô nhỏ và vừa. Hiện, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng của các nhà băng này đã được đẩy kịch trần là 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,4%/ năm; 7-11 tháng cao nhất là 7,8%/năm; 12 tháng cao nhất là 8%/ năm; 24 tháng trở lên cao nhất là 8,6%/năm.

Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 2 đến nay, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng tiền về.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 22/3 của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, NHNN hút ròng 4.859 tỷ đồng qua kênh OMO trong tuần. Cụ thể, đã có 7.588 tỷ đồng hút về, trong khi có 2.728 tỷ đồng được bơm mới.

Ở kênh tín phiếu, NHNN phát hành mới 37.500 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất vẫn ở mức 3%), trong khi có 17.000 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Như vậy, lượng hút ròng qua kênh tín phiếu đạt 20.500 tỷ đồng.

Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN ở vị thế hút ròng 25.359 tỷ đồng trong tuần qua. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng OMO đang lưu hành còn 2.728 tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đang lưu hành đạt 37.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm giảm 0,4% từ mức 3,55% xuống 3,15%. Kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng giảm lần lượt từ mức 3,45% và 3,65% xuống còn 3,3% và 3,4%.

Lãi cho vay không cào bằng

Giải thích cho diễn biến trái chiều của lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng, nhóm nghiên cứu BVSC cho rằng nguyên nhân có thể do các ngân hàng đang gấp rút huy động vốn nhằm đáp ứng hoạt động thanh tra của NHNN liên quan đến tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống 40%.

Đặc biệt, nhu cầu vốn dài hạn đang trở nên cấp bách ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: việc tăng vốn của NHTM có quy mô nhỏ không thuận lợi bằng các ngân hàng có quy mô lớn, NHTM có vốn nhà nước do thua kém về uy tín thương hiệu, mạng lưới giao dịch cũng hẹp hơn.

Để huy động được vốn, các nhà băng nhỏ còn phải gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài thông qua chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi hay kỳ phiếu với mức lãi cạnh tranh. Động thái này giúp họ huy động vốn nhanh và hiệu quả nhất, trong điều kiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ngày càng bị siết lại.

Ngoài ra, một số ngân hàng lớn dù có tỷ trọng tín dụng trung dài hạn ở mức rất cao nhưng vẫn phải tích cực huy động để tăng tổng nguồn vốn nhằm kéo tỷ trọng này xuống, cho dù thanh khoản dư thừa.

Một số chuyên gia đưa ra dự báo lãi suất huy động trong năm nay sẽ khó giảm so với năm ngoái và sẽ tác động đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đặt ra cho hệ thống ngân hàng.

Đứng ở góc độ ngân hàng, Tổng Giám đốc một NHTM cổ phần đánh giá, năm nay, đồng USD không biến động mạnh, áp lực lên tỷ giá không quá lớn, cung tiền ổn định và kinh tế tăng trưởng tốt… là những yếu tố hỗ trợ mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định như năm 2018. Riêng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi vay có thể giảm trong thời gian tới, nhưng mức giảm chỉ khoảng 0,25 – 0,5%.

Với các DN không nằm trong nhóm ưu tiên, các ngân hàng sẽ đánh giá mức độ rủi ro của tài sản, của khách hàng, của khoản vay. Theo đó, rủi ro thấp sẽ được vay với lãi suất thấp và rủi ro cao phải vay với lãi suất cao.

Vì vậy, sẽ có những DN được vay với lãi suất 5-6%/năm, nhưng cũng có DN vẫn phải vay với lãi suất 11-12%/năm.