Lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng trong thời gian tới?

Theo Diệp Trần/ttvn.vn

Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 1 năm của các ngân hàng đã tạo đáy trong năm 2016-2017 và liên tục tăng từ cuối năm 2018. VDSC cho rằng áp lực tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm 2019 vẫn còn lớn, mặc dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành.

 VDSC cho rằng áp lực lãi suất huy động tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm 2019 vẫn còn lớn. Nguồn: internet
VDSC cho rằng áp lực lãi suất huy động tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm 2019 vẫn còn lớn. Nguồn: internet

Áp lực tăng lãi suất huy động vẫn còn cao trong giai đoạn cuối năm

Theo thống kê của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng hợp từ các thông cáo báo chí của NHNN, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 1 năm của các NHTM đã tạo đáy trong năm 2016 – 2017 và liên tục tăng từ cuối năm 2018. Tác động lan tỏa lên lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (tiền gửi 6 – 12 tháng) có phần chậm hơn. 

Từ đầu quý III/2019, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn bắt đầu nhích 0,15 điểm phần trăm so với đầu năm. VDSC cho rằng diễn biến này là hệ quả của chính sách kiểm soát an toàn thanh khoản (thông qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn) và tỷ lệ an toàn vốn (tiến đến áp dụng Basel II) trong hệ thống ngân hàng. 

Thống kê của VDSC cũng cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn trên 1 năm hiện là 6,95%, kỳ hạn 6 tháng - 1 năm là 6,15% cao nhất kể từ năm 2015. 

 Lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng trong thời gian tới?  - Ảnh 1

Nhóm phân tích cũng dự báo rằng, lực tăng lãi suất huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi mà Dự thảo thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% từ ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay. 

Bên cạnh đó, Thông tư 58/2019/TT-BTC về việc quản lý và sử dụng tài khoản Kho bạc Nhà nước tại các NHTM có thể tác động tiêu cực lên thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng sau khi Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2019. 

Trong khi đó, các ngân hàng vừa cần chuẩn bị nguồn vốn cho thời điểm kinh doanh cuối năm và thời hạn áp dụng Basel II đang tới rất gần. 

Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ có tác động như thế nào?

Cuối tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ công bố quyết định cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành kể từ ngày 18/9. Trong khi các yếu tố về lạm phát, tỷ giá và tăng trưởng kinh tế vẫn theo sát mục tiêu điều hành của Chính phủ, việc cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định lãi suất trong nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất và các NHTM trong nước liên tục đẩy tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.

VDSC cho rằng, động thái này của NHNN sẽ phần nào giúp ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn, theo đúng mục tiêu điều hành đặt ra từ đầu năm.

Báo cáo năm 2018 của UBGSTCQG cho thấy, mặc dù NHNN đã một lần cắt giảm lãi suất điều hành vào cuối năm 2017, lãi suất tiền gửi và cho vay trong năm 2018 thực tế đã tăng lên so với năm 2017 do kỳ vọng lạm phát tăng và các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn thanh khoản cũng như an toàn vốn. 

 Lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng trong thời gian tới?  - Ảnh 2

Năm 2019, mặc dù cho rằng lạm phát không đáng lo ngại, theo VDSC thì những áp lực lên lãi suất trong giai đoạn cuối năm vẫn còn hiện hữu. Do đó, nếu Dự thảo thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN được thông qua thì khả năng lãi suất thực tế có thể giảm là rất thấp.