Lo ngại gì từ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm?

Theo Xuân Yến/baodauthau.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa lên tiếng cảnh báo về cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, tình trạng này diễn ra từ lâu, khá phổ biến, tiềm ẩn không ít rủi ro nên việc kiểm soát là cần thiết.

Một số tổ chức tín dụng đã cho khách hàng vay vốn có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay. Ảnh: Internet
Một số tổ chức tín dụng đã cho khách hàng vay vốn có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay. Ảnh: Internet

Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm

“Chỉ với một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, bạn có thể sử dụng dịch vụ vay cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền cho các nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng: bổ sung vốn đầu tư, bảo lãnh cho người thân vay ngân hàng, cho con cái đi du học… Mức vay hấp dẫn, lên tới 90% trị giá sổ tiết kiệm hiện thời sẽ giúp bạn xoay vòng vốn linh hoạt và hiệu quả hơn bao giờ hết”. Đó là lời giới thiệu về hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của một ngân hàng thương mại cổ phần. Thực tế, rất nhiều nhà băng có hình thức cho vay này bởi vừa đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng lại vừa có lợi cho chính ngân hàng.

Với người có tài khoản tiết kiệm chưa đến hạn tất toán mà lại muốn có tiền phục vụ nhu cầu trước mắt, nếu rút tiền tiết kiệm trước hạn thì họ sẽ chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn rất thấp. Thay vào đó, họ có thể vay bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm trong thời gian chờ tất toán, lãi suất vay có thể cao hơn lãi suất tiết kiệm nhưng bù trừ với phần lãi của sổ tiết kiệm cuối kỳ thì vẫn lợi hơn. Về phía ngân hàng, cách thức cho vay này ít rủi ro nếu xác minh đúng nhân thân người đi vay.

Tuy nhiên, tại Công văn số 7031/NHNN-TTGSNH vừa được NHNN gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ quan này cho biết, có hiện tượng một số Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cho khách hàng vay vốn có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

2 trong số các điều kiện về vay vốn quy định tại Điều 7, Thông tư 39/2016/TT-NHNN là: nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi.

Để bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.

Các TCTD phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Các TCTD phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý.

Cần yêu cầu bóc tách rạch ròi

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico chỉ ra ít nhất hai hệ lụy của việc cho vay từ cầm cố sổ tiết kiệm. Một là, tiền gửi tiết kiệm đứng tên một cá nhân nhưng chưa biết rõ tiền đó là của ai. Nếu cho vay bằng cầm cố sổ mà không xem xét kỹ lưỡng có thể dẫn đến rắc rối, tranh chấp. Hai là, nếu cho vay bằng cầm cố sổ không rõ mục đích, vượt hạn mức sẽ dẫn tới hậu quả làm tăng dư nợ, dòng tiền quay vòng nhiều lần, tạo doanh số ảo. Việc cảnh báo cho vay này theo ông Đức là cần thiết.

Bình luận về công văn này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng: “Nội dung văn bản mang tính nhắc nhở các TCTD về hai khía cạnh. Trước hết là cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng muốn hoạt động tín dụng có tính thực chất, được phản ánh đúng trên các báo cáo tín dụng của ngân hàng. Theo tôi, để thực hiện điều này, ngân hàng nên thể hiện rõ phần cho vay này trong tổng dư nợ tín dụng để đánh giá đúng tín dụng.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, hình thức vay này chiếm dư nợ không quá lớn và nhiều ngân hàng cũng khống chế tỷ lệ cho vay chứ không để phát triển tràn lan.

Về nội dung yêu cầu các TCTD phải kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, theo ông Lực, điều này không dễ thực hiện, bởi nhiều khoản vay như vậy là tín dụng tiêu dùng. “Tôi nghĩ đây là động thái nhắc nhở cần thiết của NHNN để dòng chảy tín dụng được kiểm soát tốt hơn và tốt cho cả hệ thống”, ông Lực nhấn mạnh.