"Luật hóa" trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng


Một trong những quy định mới trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; bảo mật thông tin người nộp thuế...

Thời gian qua, sự hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và hệ thống thuế rất hiệu quả. 
Thời gian qua, sự hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và hệ thống thuế rất hiệu quả. 

Ngày 13/6/2019, hơn 91,3% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đồng ý thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Trong đó, một trong những quy định gây chú ý tại Luật sửa đổi lần này là các ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; bảo mật thông tin người nộp thuế... 

Cụ thể, các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...

Bên cạnh đó, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, luật sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online...

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc ngân hàng phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thuế không trái với chức năng của ngân hàng. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực để mọi giao dịch liên quan đến tiền tệ đều phải qua ngân hàng, nhất là những giao dịch giá trị. Việc cơ quan thuế và ngân hàng phối hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quản lý thuế, ngăn ngừa các sai phạm khác như rửa tiền, tham nhũng, gian lận…

Bên cạnh đó, theo Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội đã làm thay đổi quá nhanh và toàn diện các yếu tố tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này cũng kéo theo thách thức cho ngành Thuế trong việc quản lý thuế và thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và đặt ra nhu cầu phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới. 

Vấn đề đặt ra là bản thân ngành Thuế không thể tự mình đảm đương hết được việc quản lý thuế và thu thuế, mà cần có sự hỗ trợ và phối hợp từ các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan khác. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, việc quản lý thuế trở nên hiệu quả hơn trong một nền kinh tế không dùng tiền mặt, với sự tham gia của hệ thống ngân hàng và các tổ chức trung gian trong thị trường tiền tệ.

Luật sư Phong cho rằng, việc thu thuế, quản lý thuế cần có sự phối hợp từ các cơ quan chức năng, tổ chức khác có liên quan, bao gồm Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại. Do đó, việc phối hợp từ hệ thống ngân hàng trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở.

Thêm vào đó, quy định về sự phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế trong quản lý thuế sẽ tạo tiền đề và nền tảng cho các quy định về nền kinh tế không tiền mặt.

Trên thực tế, thời gian qua, sự hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và hệ thống thuế rất hiệu quả. Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai nhiều dịch vụ thu hộ các khoản thu của ngân sách, dịch vụ công như điện, nước… và không ai có thể làm tốt việc này như ngân hàng. Hiệu quả của việc thu thuế điện tử đã cho thấy rõ điều này.

Với quy định này, ngành Thuế sẽ tiết kiệm được chi phí nhân công, kho quỹ, tập trung cho công tác kiểm tra, tính thuế và xử lý nghiệp vụ chuyên ngành về thuế trong khi ngân hàng phát huy được lợi thế trong dịch vụ thu chi, quản lý tài khoản.