Mặc Covid-19, loạt ngân hàng vẫn báo lãi "khủng" năm 2020

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Ngành ngân hàng vừa bước qua một năm đầy thách thức, dù vậy, đã có những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả hoạt động năm 2020 với lợi nhuận "khủng" và đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 khá tham vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thông tin từ phía Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), kết thúc năm 2020, nhà băng ghi nhận tổng tài sản đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019.

Tín dụng tăng mạnh với tổng dư nợ đạt hơn 307 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,09%. MB cho biết đã tăng mạnh tỷ lệ dự phòng, độ bao nợ xấu lên đến 160%.

Năm 2021, MB đặt mục tiêu kinh doanh khá thách thức với lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 25 – 30% đạt hơn 14.600 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 15% lên mức 545 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,3%. Nhóm Big 4 (Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank) cũng công bố kết quả lợi nhuận khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tính đến tháng 12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của Agribank năm 2020 đạt trên 8%, lợi nhuận đạt gần 13 ngàn tỷ đồng. 

Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) báo lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2020 đạt 16.450 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu đặt ra; dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 7,7% so với năm 2019; nguồn vốn huy động tăng 11%; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng giảm mạnh, xuống dưới 1%.

Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 130%. Năm 2021, Vietinbank dự kiến tổng tài sản tăng 3-6%, tín dụng tăng trưởng 8-11%, nguồn vốn huy động tăng 10-12%; lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10-20%; mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%.

Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) báo lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng năm 2020 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên gần 380% - cao nhất trong ngành ngân hàng.

Năm 2021, nhà băng này đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 12%; huy động vốn từ thị trường dân cư dự kiến tăng 8%; tổng tài sản Vietcombank tăng 6%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1%.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) mới đây cho biết, năm 2020 tổng dư nợ tín dụng đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,8%; huy động vốn đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính NHNN giao. 

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 9%; dư nợ tín dụng cuối kỳ tăng trưởng khoảng 12%; huy động vốn cuối kỳ phù hợp với sử dụng vốn (tăng trưởng khoảng 12 – 14,8%); tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.

Về phía khối ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, hiện nay đã có một số đơn vị đã đưa thông tin lợi nhuận vượt kế hoạch.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch. So với mức lợi nhuận năm 2019 của ngân hàng này gần 3.900 tỷ đồng, thì lợi nhuận 2020 tương đương hơn 4.300 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng có mức lợi nhuận trước thuế tăng 94% so với năm 2019, ước đạt 2.500 tỷ đồng và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank)... đều cho biết đã hoàn thành mục tiêu từ những tháng trước.

Đánh giá về lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020, dự báo năm 2021, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, dù gặp khó khăn do Covid-19, ước tính lợi nhuận toàn ngành vẫn sẽ tăng khoảng 8 - 10% trong năm 2020.

"Tuy nhiên, nếu so với các giai đoạn trước thì mức tăng này vẫn khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Hơn nữa, lợi nhuận công bố và ước tính của các nhà băng trong năm 2020 chưa phản ánh hết khó khăn, thách thức của hệ thống ngân hàng", ông Lực nói.

Cụ thể, theo ông Lực tác động của Covid-19 tới ngành ngân hàng sẽ có độ trễ so với tác động tới doanh nghiệp và người dân, cùng với đó là việc chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/NHNN-TT.

“Sắp tới, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 01 theo hướng ngân hàng phải trích lập dần dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu, nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Nếu may mắn thì lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể tăng khoảng 10% so với năm trước”, ông Lực đưa dự báo.