Ngân hàng Nhà nước đã mua vào bao nhiêu ngoại tệ?


Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào khối lượng ngoại tệ khá lớn để bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng thêm tổng cộng 9.143 triệu USD trong 2 quý đầu năm nay.
Dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng thêm tổng cộng 9.143 triệu USD trong 2 quý đầu năm nay.

Dự trữ tăng thêm gần 9,15 tỷ USD

NHNN đã mua tổng cộng bao nhiêu ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước?. Đó là thông tin mà rất nhiều người muốn biết. Tuy nhiên, đã lâu rồi không thấy NHNN thông tin về vấn đề này.

Còn nhớ lần gần đây nhất là cuối tháng 4/2019, NHNN cho biết, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 17/4 cơ quan này đã mua được 8,35 tỷ USD để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối. Kể từ đó đến nay, giới chuyên gia và không ít định chế tài chính vẫn sử dụng con số này trong các báo cáo nghiên cứu của mình, cho dù không ít ý kiến cho rằng con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.

Thông tin đó đã sáng tỏ hơn khi mà NHNN vừa công bố số liệu về cán cân thanh toán tổng thể quý 2/2019. Theo đó, sau khi thặng dư 1,976 tỷ USD trong quý đầu năm, cán cân vãng lai đã đảo chiều sang thâm hụt nhẹ 107 triệu USD trong quý 2. Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,781 tỷ USD; dịch vụ thâm hụt 930 triệu USD; thu nhập sơ cấp thâm hụt tới 4,148 tỷ USD…

Trong khi đó, cán cân tài chính cũng chỉ thặng dư nhẹ 835 triệu USD trong quý 2 sau khi thặng dư tới 7,691 tỷ USD trong quý đầu năm. Trong đó, đầu tư trực tiếp thặng dư 3,875 tỷ USD; đầu tư gián tiếp thặng dư 1,175 tỷ USD, song đầu tư khác thâm hụt tới 4,215 tỷ USD.

Tuy nhiên, khoản mục lỗi và sai sót lại giảm 1,202 tỷ USD trong thời gian này. Vì thế, tính chung cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư tới 1,93 tỷ USD trong quý 2/2019 sau khi đã thặng dư tới 7,213 tỷ USD trong quý đầu năm. Lũy kế 2 quý đầu năm nay, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 9,143 tỷ USD.

Trong khi theo Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN Việt Nam, cán cân thanh toán tổng thể là kết quả của cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính.Cán cân thanh toán tổng thể được tính bằng thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo”, cơ quan này cho biết. Điều đó cũng có nghĩa, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng thêm tổng cộng gần 9,15 tỷ USD trong 2 quý đầu năm nay.

Có thể phải bán ra ngoại tệ

Việt Nam đã lần đầu tiên bị liệt vào danh sách các nước theo dõi khả năng thao túng tiền tệ. Nguyên nhân do Bộ Tài chính Mỹ đã siết chặt các tiêu chí đánh giá, khiến số nước bị đưa vào danh sách theo dõi lên con số 9 nước (trong đó có Việt Nam).

Trong khi đó, Việt Nam vi phạm 3 tiêu chí đầu tiên bao gồm việc có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Mỹ lớn hơn 40 tỷ USD; thặng dự thương mại hàng hóa với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 2% của GDP. Tuy nhiên, Việt Nam chưa vi phạm tiêu chí về mức độ can thiệp (một chiều và kéo dài) vào thị trường ngoại hối.

Cụ thể, số lượng mua ròng ngoại tệ (từ tháng 1 đến tháng 12/2018) của Việt Nam chỉ vào khoảng 1,7% GDP, vẫn nằm dưới ngưỡng 2% GDP mà Mỹ đặt ra. Bên cạnh đó, thời gian mua ròng của Việt Nam cũng không liên tục trong 6 tháng. Ngoài ra, Việt Nam cũng có những cơ sở hợp lý để mua USD gia tăng dự trữ ngoại hối khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính trong năm 2018 mới chỉ đủ 2,9 tháng nhập khẩu, dưới ngưỡng khuyến nghị tối thiểu của IMF.

Theo Công ty Chứng khoán KB, với đợt rà soát vào tháng 4/2020 (số liệu lấy từ tháng 1 – tháng 12/2019), nếu ước tính GDP 2019 của Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD thì giới hạn ngoại tệ mà NHNN được phép mua để đảm bảo dưới mức 2% GDP sẽ rơi vào khoảng 5,4 tỷ USD. Thế nhưng, dựa trên số liệu chính thức của IMF (tính tới 30/4/2019) và của Công ty KB thu thập được, NHNN hiện đang mua vượt quá ngưỡng này, đạt khoảng 8,5 tỷ USD kể từ đầu năm nay.

Vì lẽ đó, KB cho rằng, với việc VND sẽ có thể đối mặt với rủi ro mất giá mạnh trong nửa cuối năm nay (do CNY trượt giá), NHNN sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá dưới mức mục tiêu 3% đầu năm, đồng thời giúp Việt Nam tránh vi phạm quy định mua ròng dưới mức 2% GDP mà Mỹ quy định. Ngoài ra, kể cả trong trường hợp không bán bớt dự trữ ngoại hối, Việt Nam vẫn còn 1 bước đệm sau cùng là khoảng thời gian mua ròng liên tiếp không quá 6 tháng.

“Từ nay đến cuối năm, để không vi phạm tiêu chí 2% GDP, NHNN sẽ phải bán ròng khoảng 3,1 tỷ USD. Hành động này được xem là hợp lý và tạo dư địa cho NHNN có thể ổn định tỷ giá trong trường hợp CNY tiếp tục giảm sâu”, KB nhận định.