Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc giảm lãi suất

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng đại dịch, NHNN sẽ vừa vận động, vừa sử dụng công cụ giám sát chặt việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Các công ty tài chính cũng bắt đầu triển khai các chính sách cho vay ưu đãi và giãn hoãn nợ cho khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh. Nguồn: Internet)
Các công ty tài chính cũng bắt đầu triển khai các chính sách cho vay ưu đãi và giãn hoãn nợ cho khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh. Nguồn: Internet)

Tăng cường giám sát việc thực hiện giảm lãi suất

Theo Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 được ban hành mới đây, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay, đặc biệt là tiết giảm chi phí, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,...

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, hoàn thành trong tháng 9/2021.

Thực tế cho thấy, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế nói chung, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Các giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại trên khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Trả lời báo chí, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN nhấn mạnh, với những thiệt hại mà đại dịch gây ra với người vay vốn, ngân hàng thương mại cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ khách hàng. Trước tình hình đó, NHNN vừa vận động nhưng cũng vừa có công cụ giám sát chặt việc giảm lãi suất cho vay.

“Mặc dù một số tổ chức tín dụng có giảm, nhưng chưa phải 100% ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Trên thực tế mới có 16 ngân hàng ký cam kết giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, NHNN cũng yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước phải giảm lãi suất cho vay ngay, trong đó Agribank thực hiện rất tốt với mức giảm 1% cho các hợp đồng vay lãi suất 9 - 10%/năm, riêng khoản vay ưu đãi có mức giảm nhẹ hơn”, đại diện Vụ Tín dụng cho biết.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN đã giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các NHTM giảm sâu các loại phí cho khách hàng. Đây là những giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc công ty CP Đào tạo và Du lịch Việt Nam cho biết, từ đầu năm nay, các hoạt động của công ty gần như bị đóng băng hoàn toàn, để tránh rơi vào “bẫy” nợ, bà Hải đã cho tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp, nhanh chóng triển khai các kế hoạch hỗ trợ người lao động và cơ cấu tài chính.

“Đến nay, một số khoản nợ ngân hàng đã được giãn, hoãn xong xuôi nên cũng yên tâm “ngủ đông”, chờ ngày mở cửa. Vấn đề là, sau khi hoạt động trở lại, doanh thu sẽ không đủ bù chi trong giai đoạn đầu, nợ cũ chưa hết, liệu có được tiếp tục vay nguồn vốn giá rẻ để vực lại hay không thì chưa biết”, bà Hải băn khoăn.

Còn theo bà Võ Hồ Thục Đoan, Người sáng lập công ty Kooka Bakery đề nghị, do việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thường hay gặp rào cản về tài sản thế chấp và thủ tục rườm rà, phức tạp, ngoài hình thức vay thế chấp, ngân hàng cũng nên có sản phẩm vay tín chấp phù hợp cho doanh nghiệp kinh doanh online như hiện nay. Giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay càng hiệu quả, thì sự hỗ trợ của ngân hàng sẽ phần nào thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nữa.

Các công ty tài chính cơ cấu nợ vay tiêu dùng

Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngân hàng với nền kinh tế, thị trường tài chính tiêu dùng đang được dự báo là sẽ góp phần sẽ phục hồi trở lại từ nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), hình thức cho vay tiêu dùng có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ tới đây. Theo đó, các công ty tài chính tiêu dùng có các chính sách hỗ trợ cho người dân, cũng sẽ góp sức khơi thông thị trường.

Công ty tài chính lớn nhất Việt Nam hiện nay - FE Credit, từ tháng 6/2021 đã liên tục triển khai các chương trình miễn giảm lãi cho các đối tượng khách hàng gặp khó khăn tài chính hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước và quy định nội bộ của công ty.

“Doanh nghiệp thấu hiểu và mong muốn chia sẻ những khó khăn của khách hàng do dịch bệnh gây ra. Hiện FE CREDIT đang xây dựng mức lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có tới 400.000 khoản vay được hưởng lãi suất ưu đãi, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng”, đại diện FE CREDIT cho biết.

Từ tháng 9/2021, công ty này đã triển khai hàng loạt chính sách như: không giới hạn việc chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, tạm hoãn thanh toán trong 4 tháng, xem xét miễn, giảm lãi, phí…đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song, điều kiện mà công ty đưa ra bao gồm:

Thứ nhất, người vay phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và công ty sẽ đánh giá khách hàng đó có khả năng trả nợ đầy đủ gốc và/ hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Thứ hai, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày hưởng ưu đãi và phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với từng khách hàng.

Thứ ba, người vay phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hay chương trình “Vay hôm nay – 4 tháng sau mới trả” của HD SAISON được triển khai từ 1/9-30/9, dành cho người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 về những biện pháp liên quan đến phòng, chống dịch. Theo đó, khách hàng là chủ thuê bao điện thoại di động chỉ cần cung cấp các giấy tờ cơ bản gồm CMND/CCCD, hộ khẩu/giấy phép lái xe là đã có thể đăng ký gói vay này. Thời gian thanh toán được HD SAISON chủ động ân hạn, khách hàng có thể nhận ngay khoản vay để giải quyết được các khó khăn cấp bách, nhưng không phải chịu áp lực thanh toán vì việc hoàn thành kỳ đầu tiên của khoản vay hàng tháng sẽ bắt đầu trong vòng 4 tháng sau.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế là vô cùng cần thiết, dòng tiền lưu động mới tạo ra sự tuần hoàn mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh cũng như thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng dù là doanh nghiệp hay cá nhân cần phác thảo được mục đích vay vốn của mình.

“Mặt khác, phải hiểu rõ những khoản phí phải trả khi vay tiền như phí trả nợ trước hạn. Tận dụng hỗ trợ chuyên nghiệp về thủ tục, thực tế, thủ tục vay vốn không hề phức tạp. Nếu tìm đến các ngân hàng uy tín, tổ chức tài chính lớn, có đội ngũ nhân viên hỗ trợ chuyên nghiệp và nhiệt tình, người vay sẽ nhận thấy các điều khoản vay vốn khá rõ ràng và sòng phẳng. Lưu ý, nên sáng suốt lựa chọn gói vay ưu đãi, vì các gói vay được thiết kế cho từng đối tượng khác nhau, cần tìm hiểu kỹ để chọn cho mình chương trình phù hợp và ưu đãi nhất”, vị chuyên gia khuyến nghị.