Ngân hàng ồ ạt chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn

Theo Vân Linh/baodautu.vn

Các nhà băng rầm rộ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhằm đáp ứng chuẩn Basel II. Tuy nhiên, nguồn cung tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu.

Các nhà băng rầm rộ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhằm đáp ứng chuẩn Basel II. Nguồn: Internet
Các nhà băng rầm rộ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhằm đáp ứng chuẩn Basel II. Nguồn: Internet

Rầm rộ chia cổ tức bằng cổ phiếu

Năm 2018 được đánh giá là năm thuận lợi để các ngân hàng tăng vốn. MB và Techcombank đã tăng vốn thành công từ ngày 30/9 nhờ chiến lược cổ tức và chia cổ phiếu thưởng. Cụ thể, Techcombank chốt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2 trong quý III/2018 để tăng vốn lên mức 34.965 tỷ đồng. MB duy trì cổ tức 11% (6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14%. 

Trước đó, VPBank chốt quyền nhận cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng trong quý II/2018. Theo đó, VPBank phát hành 925 triệu cổ phần, tương đương 9.256 tỷ đồng để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. 

Với lợi nhuận năm 2018 dự kiến đạt 5.699 tỷ đồng trước thuế, HĐQT ACB dự kiến tăng mức chi trả cổ tức năm nay lên 30% để tăng vốn điều lệ.

Các ngân hàng có tiềm lực vốn như VIB, HDBank, VPBank, Maritime Bank… cũng đang khá thuận lợi với kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, HDBank tự tin sẽ sớm tăng vốn lên 11.972 tỷ đồng như kế hoạch đề ra.

VIB cho biết sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu thưởng để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu vào ngày 19/11. Cụ thể, 219 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 41,13% sẽ được ngân hàng này phát hành. Theo đó, vốn điều lệ tăng hơn 38,8%, từ 5.644 tỷ đồng lên 7.834 tỷ đồng. VIB đặt kế hoạch tăng vốn lên 8.100 tỷ đồng trong năm nay, gồm cả chào bán riêng lẻ tối đa trên 56,4 triệu cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tối đa 245,6 tỷ đồng. 

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, để tăng quy mô hoạt động, HĐQT đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng ( tăng 2.500 tỷ đồng) trong năm nay và đã được NHNN chấp thuận. Phương án tăng vốn gồm phát hành 69,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức, 100 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành cho cổ đông riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu. 

TS. Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), với kết quả kinh doanh cải thiện, cổ tức được các ngân hàng chia cho cổ đông tích cực hơn và chủ yếu bằng cổ phiếu. Điều này sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu “vua” đã tăng so với trước. “Hoạt động ngân hàng dần cải thiện khi nợ xấu có đầu ra, tín dụng tăng… sẽ tác động lên giá cổ phiếu, nên việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư đón nhận hơn so với những năm trước”, TS. Bùi Quang Tín nói. 

Giảm áp lực hướng tới chuẩn mực quốc tế

Một thông tin quan trọng là nút thắt tăng vốn tại các ngân hàng quốc doanh đã được tháo gỡ. Cụ thể, BIDV đã trình văn bản lấy ý kiến của các cổ đông về việc phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc. Đây là tín hiệu tích cực trong nỗ lực cải thiện các chỉ số tài chính của BIDV và tăng hệ số an toàn vốn (CAR) để đáp ứng yêu cầu Basel II. Dự kiến việc phát hành sẽ diễn ra vào cuối năm 2018 hoặc năm 2019. 

Vietcombank mới đây cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua. Nếu thành công ở lần tăng vốn này, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.

Nhìn chung, lộ trình tăng vốn của các ngân hàng đã bắt đầu có nhiều điểm thuận lợi. Theo đánh giá của ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam), các ngân hàng đang “ăn nên, làm ra”, đạt lợi nhuận tích cực, tác động lên giá cổ phiếu, nên hiện là thời điểm để các nhà băng tăng vốn, đáp ứng chuẩn Basel II. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đằng sau việc tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng năm 2018 lại là nỗi lo của cổ đông. Việc tăng vốn quá nhanh sẽ “pha loãng” cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chậm lại, đồng nghĩa với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) vốn đã ở khá cao lại tiếp tục tăng thêm.