Ngân hàng 'oằn mình' làm 'bà đỡ' cho các doanh nghiệp mùa dịch bệnh
Dù ngân hàng đã giảm lãi vay 1-1,5%/năm, có những gói hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Hiện tại, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang suy yếu do dịch. Thực tế khắc nghiệt đã khiến không ít công ty đang phải vật lộn để tìm cách trụ vững, bằng nhiều cách thức khác nhau. Có chuyên gia còn cho rằng dịch COVID-19 đang thử độ bền và sức chịu đựng của giới doanh nghiệp.
Mặc dù vẫn chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, nhưng với vai trò là “xương sống” của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã liên tục đưa ra các giải pháp để gỡ khó và cùng chung tay với các doanh nghiệp.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định đã lên các kịch bản và đưa ra hàng loạt chương trình như ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi vay, gói cho vay mới… nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp đồng thời cũng chính là để cứu mình.
Bài 1: Thị trường hàng hóa ngưng trệ, tín dụng “gặp khó”
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cho dù nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được tung ra song đến nay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 0,1%, (trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 0,85%). Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.
Doanh nghiệp lao đao
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa có báo cáo khảo sát ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo này dựa trên khảo sát 1.200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… và cho thấy dịch COVID-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cũng theo kết quả khảo sát, gần 74% số doanh nghiệp cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài 6 tháng do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng…
“Sự bị động của các doanh nghiệp phần nào phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thế xảy ra sau dịch,” báo cáo nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tour cho biết hiện công ty không còn đoàn khách nào, các tour trong tháng Ba và tháng Tư đều bị hủy. Trong khi đó, công ty vẫn phải xoay sở hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho các khoản bảo hiểm, lương nhân viên và chi phí hoạt động.
“Hiện chúng tôi đã phải cắt giảm 30% nhân sự, chỉ giữ lại một vài bộ phận để duy trì nhưng có khả năng làm một ngày và nghỉ một ngày và nhân viên cũng chỉ được nhận 50% lương,” ông Ngọc Anh buồn rầu cho biết.
Còn tại Công ty thương mại và dịch vụ tổng hợp Cường Huỳnh hiện có gần 40 xe ôtô du lịch loại to nhưng từ Tết đến giờ đều nằm phơi nắng, kéo theo hàng trăm tài xế cũng như nhân viên không có việc làm.
Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Công ty cho biết hiện công ty đã được ngân hàng giảm lãi suất và hướng dẫn doanh nghiệp đóng lãi vay, không đóng gốc cho đến hết năm 2020…
Khó khăn của các công ty trên cũng giống như một số lĩnh vực khác chịu tác động của đợt dịch này như dệt may, giao thông vận tải, bán lẻ, thủy sản, dầu khí, chứng khoán…
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không dám vay mới, làm tăng trưởng tín dụng bị “co lại”.
Ngân hàng chịu ảnh hưởng “kép”
Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho biết hiện chưa có dự báo nào về điểm dừng của COVID-19 mà ngược lại là số quốc gia; trong đó có nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam phát hiện ca mắc bệnh như EU, Hàn Quốc, Mỹ… Việt Nam là quốc gia vừa nhập khẩu lại vừa xuất khẩu, khi xuất khẩu khó khăn thì dòng tiền để trả nợ ngân hàng gần như bị đứt.
Chính vì doanh nghiệp gặp khó đã dẫn đến tình trạng tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng thêm chưa đầy 5.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Viêt Nam (BIDV) cho hay trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng giảm gần 2%. Nguyên nhân là bởi những tháng đầu năm (như tháng Giêng), khách hàng rất ít khi đi vay cùng với chịu tác động kép từ tác động của dịch bệnh, cả phía cung lẫn phía cầu.
Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng trong đợt dịch này khoảng 120.000 tỷ đồng, tức ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng.
“Khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng, nợ xấu vì thế có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng theo,” ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.
Hay như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tổng số khách hàng của ngân hàng này bị tác động trong đợt dịch khoảng 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), theo ước tính ban đầu, ngân hàng có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có khoảng 86 doanh nghiệp lớn và vừa, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.
“Khó khăn hiện tại không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ. Thị trường tiền tệ chỉ đóng góp, hỗ trợ một phần để nền kinh tế vượt qua khó khăn chứ không thể giải quyết được vấn đề vì tất cả chuỗi cung ứng toàn cầu đều đang chậm lại,” ông Hiếu nhận định.
Báo cáo nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI mới đây đánh giá ngành ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch COVID-19 đang lan rộng toàn thế giới. Vì thế, ngoài giảm tốc tộ tăng trưởng tín dụng cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Còn theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, tín dụng chỉ tăng 0,1% chứng tỏ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất thấp, chủ yếu do ảnh hưởng bởi COVID-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, có những doanh nghiệp thu hẹp, thậm chí tạm dừng hoạt động nên không vay tiền làm gì.
“Dù ngân hàng đã giảm lãi vay 1-1,5%/năm, có những gói hỗ trợ nhưng doanh nghiệp đâu có vay bởi có thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục gặp khó trong những tháng tiếp theo khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng,” ông Lực nói.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng; tiếp tục cho vay mới 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch.