TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng:

Ngân hàng phải tự động cung cấp tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán của khách hàng cho cơ quan thuế

PV. (Thực hiện)

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là việc ngân hàng thương mại phải cung cấp số tài khoản của khách hàng cho cơ quan Thuế. Xung quanh vấn đề còn có nhiều ý kiến tranh luận này, Tạp chí điện tử Tài chính có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng để chia sẻ thêm về một vài vấn đề liên quan đến cung cấp tài khoản ngân hàng của khách hàng hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng

Là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, xin ông cho biết, trên thế giới, các ngân hàng thường cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế như thế nào?

Trên thế giới hiện nay, đối với việc cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, các ngân hàng phải báo cáo về tiền lãi mà khách hàng nhận được trên tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán của khách hàng. Tức là cơ quan thuế không cần phải yêu cầu ngân hàng mà ngân hàng tự động cung cấp thông tin về tiền lãi vì đây là thu nhập chịu thuế.

Thực ra, việc mà cơ quan thuế cần biết ở đây chính là khoản tiền lãi của khách hàng nhận được để đánh thuế. Còn cơ quan thuế không cần phải biết là người gửi tiền có bao nhiêu tiền ở trong tài khoản vì cơ quan thuế không phải là cơ quan điều tra về tài sản của khách hàng.

Trên thế giới, người ta lo sợ cơ quan nhà nước kiểm tra tài khoản của khách hàng, xem khách hàng có bao nhiêu tài sản, nhưng việc này lại vi phạm vào quyền riêng tư của người dân. Do vậy, chỉ khi có lệnh của Tòa án nếu liên quan đến vụ kiện, tham nhũng… thì lúc đó ngân hàng mới cung cấp thông tin theo yêu cầu của Tòa án mà thôi.

Nhưng thưa ông, ở nước ta, các ngân hàng chưa tự động cung cấp thông tin về tiền lãi khách hàng cho quan thuế?

Theo tôi, tới đây, Quốc hội, Chính phủ nên ban hành quy định về việc các ngân hàng phải cung cấp thường xuyên các thông tin về tiền lãi của khách hàng hàng năm, chứ không phải như hiện nay khi nào cơ quan thuế yêu cầu thì ngân hàng mới cung cấp.

Không loại trừ khả năng, hiện có doanh nghiệp khai báo lỗ để tránh thuế, nhưng trong khi vẫn có tiền trong tài khoản, thậm chí trong nhiều tài khoản ngân hàng. Theo ông, làm sao để hạn chế được nguy cơ này?

Chắc chắn có chuyện không chỉ doanh nghiệp trốn thuế, mà cả cá nhân cũng trốn thuế. Vấn đề là cơ quan thuế phải có nghiệp vụ điều tra về vấn đề đó. Cơ quan thuế có nhiều cách điều tra và nếu thấy nghi ngờ, họ có thể đưa ra tòa. Ở các nước trên thế giới, cơ quan thuế sau khi điều tra thường yêu cầu việc kiểm toán đối với cá nhân và doanh nghiệp đó. Khi thấy dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế sẽ gửi cho các cá nhân và doanh nghiệp một thông báo về bổn phận phải đóng thuế, dấu hiệu trốn thuế, mức phạt và mức thuế cá nhân, doanh nghiệp đó phải đóng. Nếu cá nhân, doanh nghiệp đó không tuân thủ, cơ quan thuế sẽ đưa ra Tòa. Tòa có thể phán quyết rằng cơ quan thuế có thể đến ngân hàng để xem tài khoản của cá nhân doanh nghiệp đó như thế nào để có những điều tra chính xác.

Vậy theo ông, cơ chế nào để cơ quan thuế có thể điều tra được việc trốn thuế của cá nhân và doanh nghiệp khi không tiếp cận được các thông tin về tài chính?

Trước tiên, cơ quan thuế phải dựa vào các tờ kê khai thuế của cá nhân và doanh nghiệp. Đó là cơ sở để điều tra. Chẳng hạn, ở Mỹ, có luật nếu cá nhân vay ngân hàng mua bất động sản thì tiền lãi ngân hàng đó có thể là khoản chịu thuế. Nếu khai thu nhập với cơ quan thuế rất thấp nhưng lại trả tiền lãi cho ngân hàng rất nhiều thì khi đó cơ quan thuế đưa ra nghi ngờ rằng cá nhân này phải có tài sản nhiều thì mới có thể trả cho ngân hàng được như vậy.

Sau đó, cơ quan thuế sẽ so sánh với tiền thuế trả quá thấp được kê khai với cơ quan thuế để đi đến kết luận cá nhân đó có hành vi trốn thuế. Cơ quan thuế sẽ có thông báo về việc trốn thuế hoặc mời cá nhân đó đến cơ quan thuế làm việc để tiếp tục điều tra. Trong trường hợp cần thông tin nhiều hơn về tài khoản của cá nhân này, cơ quan thuế phải đề nghị Tòa án có yêu cầu đối với ngân hàng thì mới được thực hiện kiểm tra thông tin tài khoản.

Tại Việt Nam cũng vậy, cơ quan thuế có những cách thức và các chuyên gia giỏi để biết một doanh nghiệp hay cá nhân có trốn thuế hay không. Chẳng hạn như một số doanh nghiệp FDI cứ mở rộng sản xuất rất nhiều trong khi kê khai với cơ quan thuế là thua lỗ thì lúc đó vấn đề đặt ra tại sao doanh nghiệp lỗ mà cứ mở rộng như vậy, từ đó có thể đưa ra kết luận xem các doanh nghiệp đó có trốn thuế hay không và họ có quyền điều tra, có quyền yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin, giải trình các thông tin về tài chính như các kết quả tài chính, số tiền trên tài khoản…

Trong trường hợp nghi ngờ các doanh nghiệp trốn thuế và có tiền trong tài khoản, cơ quan thuế có thể gửi yêu cầu đến ngân hàng để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơ quan thuế cũng không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp hoặc ngân hàng có thể từ chối cung cấp mà phải qua trình tự và phải có lệnh của Tòa án.

Tuy nhiên, ngân hàng cần trao đổi với khách hàng, nếu khách hàng đồng ý thì mới cung cấp cho cơ quan thuế. Ngoài ra, vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan quản lý không vi phạm vào quyền riêng tư của người dân, quyền được bảo vệ tài sản mà hiện nay được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam cho phép và dự thảo này cần chú trọng đến vấn đề đó.

Xin cảm ơn ông!