Ngân hàng số phải là vấn đề chiến lược

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tiến trình số hoá của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến triển tương đối nhanh trong thời gian vừa qua.

Trong nền kinh tế, về cơ bản có 4 cấp độ chuyển đổi số. Nguồn: internet
Trong nền kinh tế, về cơ bản có 4 cấp độ chuyển đổi số. Nguồn: internet

Phóng viên: Theo ông  mô hình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam đang đi theo hướng nào?

TS. Cấn Văn Lực: Trong nền kinh tế, về cơ bản có 4 cấp độ chuyển đổi số. Còn đối với hệ thống ngân hàng thông thường chỉ có 3 cấp độ để chuyển đổi số. Ở cấp độ 1, các ngân hàng có thể tiếp tục những gì đang làm. Còn cấp độ 2 là thành lập bộ phận riêng như trung tâm ngân hàng số, công ty ngân hàng số, đơn vị kinh doanh số trong ngân hàng. Cấp độ ba, các ngân hàng thực hiện số hoá một số bộ phận, quy trình, sản phẩm dịch vụ kinh doanh trong hoạt động.

Tôi thấy rằng đa số các ngân hàng hiện nay số hoá ở cấp độ 2,3 cũng là cấp độ tương đối tích cực khi một số TCTD thành lập đơn vị riêng như TPBank có Live Bank chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng số, BIDV có trung tâm ngân hàng số, một số ngân hàng khác có chi nhánh thí điểm ngân hàng số… Cơ sở dữ liệu cũng được các TCTD quan tâm để xây dựng, làm giàu. Đặc biệt, các ngân hàng đang cố gắng tiếp cận thông lệ quốc tế như Basel II. Theo đó chuẩn hoá dữ liệu, chuẩn hoá quản trị DN, quản lý rủi ro để khi số hoá cũng thuận lợi hơn.

Đó là mặt tích cực, song  tôi thấy một số bất cập, thách thức đã và đang diễn ra trong chuyển đổi số hoá của các ngân hàng. 

Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những bất cập này? 

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp ở cả cấp quốc gia cũng như lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bất cập nữa ở Việt Nam chưa có một cơ sở dữ liệu cá nhân để định danh cá nhân thống nhất. Chính vì vậy để xác thực khách hàng trong tương lai bằng số hoá vẫn còn gặp khó khăn thách thức. Thách thức nữa, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng chưa đồng đều. Có ngân hàng làm nhanh, có ngân hàng làm chậm. Thậm chí có ngân hàng gần như không làm gì cả. Điểm yếu tiếp theo là nhân lực phục vụ phát triển ngân hàng số của Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng tương đối là thiếu, mỏng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt.

Vấn đề an ninh mạng, an toàn số liệu thông tin khách hàng, cơ sở dữ liệu của bản thân của mỗi TCTD phải theo hướng xây dựng dữ liệu lớn nhưng trên thực tế chưa được chú trọng triển khai quyết liệt. Cuối cùng, nhận thức, hành động của cả cơ quan quản lý, người dân đồng hành với quá trình số hoá đâu đó vẫn còn chậm so với yêu cầu. Đây là những vấn đề cần phải khắc phục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đảm bảo quá trình số hoá trong hệ thống ngân hàng thành công và suôn sẻ.

Theo ông, để phát triển ngân hàng số đúng nghĩa, các ngân hàng cần hội tụ yếu tố nào? 

Trước hết, các TCTD cần xác định rất rõ cách tiếp cận đối với câu chuyện ngân hàng số như thế nào là vấn đề chiến lược hay chỉ dự án thêm thắt trong hoạt động. Theo quan điểm của tôi, đây phải là vấn đề chiến lược. Vì khi triển khai ngân hàng số nó làm thay đổi lớn mô thức kinh doanh của TCTD.

Hai là cũng cần phải hoàn thiện sớm hành lang pháp lý. Trong đó mỗi TCTD phải có đóng góp ý kiến của mình rồi thúc đẩy tiến trình hoàn thiện hành lang pháp lý. Yếu tố nữa cần làm giàu, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu. Nhất là xây dựng Bigdata cho mỗi ngân hàng để khi triển khai ngân hàng số sẽ có được dữ liệu lớn để phân tích, đánh giá chính xác được. 

Vấn đề nữa là vô cùng quan trọng hiện nay là chuẩn bị nguồn nhân lực tốt hơn. Hiện nay, các ngân hàng đang khan hiếm những kỹ sư vừa hiểu biết về CNTT vừa hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng. Quan điểm của tôi nên thực hiện bằng 2 phương thức: một là tự TCTD tổ chức đào tạo xây dựng đội ngũ đó. Hai là hợp tác với bên ngoài như công ty Fintech, Bigtech để có ngay được lực lượng nhân lực trình độ công nghệ thông tin cao và hiểu biết một phần nào đó về tài chính ngân hàng. Sau đó hai bên cùng khớp lại chuẩn hoá đội ngũ nhân lực. Ngoài ra, các ngân hàng cần phải quan tâm đầu tư hệ thống CNTT, xây dựng rõ lộ trình số hoá như thế nào, nên làm cái nào trước, cái nào sau.

Chẳng hạn như số hoá quy trình nội bộ đơn giản trước rồi bắt đầu cung cấp một số sản phẩm dịch vụ được số hoá. Sau đó sẽ số hoá kênh tư vấn liên quan đến bán hàng. Đây cũng là cách các tổ chức tài chính quốc tế thường làm. Song song với nó cần có cơ chế chính sách công cụ để tăng cường an ninh mạng, an toàn dữ liệu thông tin của khách hàng. Ngoài ra, các TCTD cần phải tham gia đóng góp ý kiến vào chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý đến giáo dục tài chính. Đây là cấu phần rất quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy tài chính toàn diện. 

Xin cảm ơn ông!