Ngân hàng tăng tốc đẩy vốn

Theo Nhung Nguyễn/saigondautu.vn

Tín dụng ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng khoảng trên 1%. Ngay từ đầu tháng 3, các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng tốc giải ngân tín dụng để tăng trưởng hơn nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh chiến dịch kinh doanh của mình, trong đó chú trọng đến mảng tín dụng tiêu dùng vì lĩnh vực này mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều ngân hàng. Cụ thể, NamA Bank đang triển khai gói tín dụng Đắc Lộc Phát Tài nhằm đáp ứng các nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, mua ô tô… cho khách hàng cá nhân trên toàn quốc, với tỷ lệ cho vay lên đến 100% nhu cầu vốn cùng thời hạn lên đến 60 tháng.

Tương tự, Agribank cũng vừa dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng nhu cầu vốn đột xuất của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn. Tại gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng, phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia dụng… với lãi suất hợp lý, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày. Ngoài ra, các trường hợp có nhu cầu vay vốn trên 30 triệu đồng, Agribank vẫn áp dụng triển khai với các gói tín dụng phù hợp khác. 

Trong năm 2019, NHNN vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng nhưng không cứng nhắc mà sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có sự tăng trưởng tốt về các chỉ tiêu kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt, phân bổ tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, đạt chuẩn về Thông tư 41/NHNN (Basel II)… thì được khuyến khích tăng trưởng tín dụng cao hơn. 
Ông PHẠM THANH HÀ, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)

Không chỉ thúc đẩy cho vay tiêu dùng thông qua những gói ưu đãi tín dụng, các ngân hàng cũng đã có nhiều chương trình kích cầu để cho vay tiêu dùng thông qua thẻ. Chẳng hạn như Vietcombank ưu đãi trả góp 0% lãi suất trong thời gian 12 tháng dành cho các chủ thẻ tín dụng khi mua hàng tại các đối tác liên kết của ngân hàng này. Từ nay đến hết tháng 4, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng du lịch MSB Visa khi mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn qua ứng dụng di động hoặc website của Vietnam Airlines và Agoda sẽ được hoàn tiền 30% giá trị hóa đơn, lên tới 2 triệu đồng.

KienLong Bank cũng đang có chương trình miễn tất cả các loại phí (giao dịch, thường niên, mở thẻ, rút tiền), đồng thời giảm giá đến 50% tại các đơn vị chấp nhận thẻ cho các chủ thẻ tín dụng KienLong Bank JCB. Ngân hàng Bản Việt hoàn tiền lên đến 1 triệu đồng và đổi dặm bay khi chi tiêu bằng thẻ đối với khách hàng mở thẻ từ nay đến tháng 6-2019.

Xoay chuyển chiến lược kinh doanh

Tín dụng tăng 1% trong 2 tháng đầu năm là mức tăng không cao nhưng phù hợp với diễn biến kinh tế 2 tháng đầu năm. Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên ngay trong tháng 3. Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế vận hành tốt hơn trong thời gian tới, cộng thêm yêu cầu mở rộng tín dụng của Thủ tướng Chính phủ, nên sắp tới tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tín dụng trong năm 2019 được dự báo không dễ dàng, vì dư địa tăng trưởng tín dụng hạn chế do việc tăng vốn của nhiều ngân hàng đang gặp khó, cộng thêm việc giới hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại.

Theo các ngân hàng thương mại, tín dụng vẫn là sản phẩm kinh doanh chính của các ngân hàng, đem lại lợi nhuận chủ yếu. Nhưng trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ ở mức 14%, các ngân hàng buộc phải xoay chuyển chiến lược kinh doanh.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết với mục tiêu lợi nhuận năm nay của Vietcombank cao hơn năm 2018 ở mức 18.000 tỷ đồng, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ 14% (thấp hơn năm 2018 là 15%) nên Vietcombank xác định phải đẩy mạnh ngân hàng số và mảng bán lẻ. Mảng bán lẻ không chỉ nhiều tiềm năng mà còn gia tăng hiệu quả đồng vốn kinh doanh và dễ quản trị rủi ro.

Nếu nợ xấu ở mảng bán buôn khi trích lập có thể làm lợi nhuận ngân hàng giảm rất lớn, thì mảng bán lẻ ngân hàng hoàn toàn quản trị được vì có tài sản đảm bảo và dư nợ thấp, thu nợ thuận tiện hơn. Ngoài ra, vì hiện có số nhân viên và số điểm giao dịch ít hơn các ngân hàng khác nên Vietcombank sẽ gia tăng dịch vụ qua ngân hàng số, cho vay qua công nghệ để đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng sử dụng dịch vụ và tín dụng. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, chia sẻ không chỉ mới đây, mà từ khi NHNN có chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại phải tìm cách xoay chuyển để đảm bảo hoạt động kinh doanh từ 4 - 5 năm trước. Ông Tùng cũng nhìn nhận, viễn cảnh tăng trưởng tín dụng khoảng 20% trong vòng 10 năm tới là không còn nữa, nên mỗi ngân hàng phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đảm bảo tăng trưởng và tăng thị phần.

“Chúng tôi hiểu đó là biện pháp bắt buộc áp dụng để đảm bảo ổn định hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho chính các ngân hàng phát triển bền vững. Từ đó, chúng tôi phải tính đến chiến lược kinh doanh phù hợp, ví dụ chuyển dịch sang các sản phẩm khác như vốn trái phiếu doanh nghiệp”, ông Tùng nói.