Ngân hàng thận trọng với mục tiêu kinh doanh

Theo Hà An/thoibaonganhang.vn

Dù thận trọng với mục tiêu kinh doanh 2020 nhưng có thể thấy các NHTMCP vẫn kỳ vọng môi trường hoạt động kinh doanh sẽ sớm cải thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuần qua, cổ đông ngân hàng khá bận rộn khi các NHTMCP đồng loạt tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Mùa đại hội năm nay coi như đã khép lại với thông điệp chung dễ nhận thấy: lường đón thách thức, lấy an toàn làm trọng. Có thể nhận thấy rõ điều này khi hầu hết NHTMCP rất dè dặt, thận trọng trong xây dựng mục tiêu kinh doanh 2020, đặc biệt ở chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận.

Nhiều năm gần đây dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận nhưng tại ĐHCĐ hôm 26/6, Vietcombank đã không đưa ra chỉ tiêu về lợi nhuận của năm 2020 năm. Phát biểu tại ĐHCĐ, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định, năm 2020 kế hoạch phát triển của ngân hàng này là an toàn, bền vững, hiệu quả... Các chỉ tiêu quan trọng khác của ngân hàng này đặt ra cho năm nay đều rất khiêm tốn: Tổng tài sản tăng 7%; Dư nợ tín dụng tăng 10%; Huy động vốn sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, dự kiến tăng 8%; Lợi nhuận trước thuế chưa đặt con số cụ thể mà sẽ thực hiện theo ý kiến của NHNN cũng như diễn biến của dịch bệnh… Một NHTM nhà nước khác là VietinBank cũng không đưa ra chỉ tiêu về lợi nhuận năm nay dù vẫn có chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng vốn.

Á quân về lợi nhuận năm 2019 - Techcombank cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 1% trong năm 2020. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank  cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, những bất ổn cả về kinh tế, chính trị trên thế giới khiến ban lãnh đạo ngân hàng quyết định lấy an toàn làm trọng. Dù có lợi thế phát triển tín dụng cho một số lĩnh vực mới, song Ban lãnh đạo ngân hàng này quyết định: Chưa xây dựng được mô hình kiểm soát rủi ro thì chưa phát triển. Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng, cổ đông của một số NHTMCP còn thông qua chỉ tiêu tăng trưởng âm về lợi nhuận như VPBank dự kiến giảm 1,1% so với năm 2019. Cổ đông MB cũng thống nhất lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 10%...

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, song nếu nhìn theo hướng lạc quan, cầu tín dụng cho các ngành sản xuất có thể tăng trong những tháng cuối năm. Bởi tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết định chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có chỉ tiêu GDP tăng 6,8%. Bên cạnh đó, Quốc hội có nhiều quyết sách quan trọng, sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế: thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020. Trong đó, chuyển đổi đầu tư từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây; Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017- 2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước sang năm 2021… Vốn ngân sách sẽ là vốn mồi kích cầu đầu tư tăng, cầu hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế tăng trở lại. Điều này sẽ có tác động tích cực đến các NHTM. Bởi, sau nhiều năm thực hiện cơ cấu lại nguồn thu theo hướng tăng thu từ mảng phí tín dụng nhưng cho đến thời điểm này tín dụng vẫn mang lại khoảng 70% lợi nhuận của các ngân hàng. Chính vì thế gần đây các NHTM tiếp tục thực hiện giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ tối đa cho khách hàng duy trì, vực dậy sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng cuối năm NHNN tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế với mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm hai lần các mức lãi suất điều hành. Thời gian tới, NHNN theo dõi sát diễn biến nền kinh tế, dịch bệnh đặc biệt là lạm phát, trong điều kiện thuận lợi, NHNN có thể cân nhắc điều chỉnh lãi suất điều hành cũng như các giải pháp khác…

Như vậy dù thận trọng với mục tiêu kinh doanh 2020 nhưng có thể thấy các NHTMCP vẫn kỳ vọng môi trường hoạt động kinh doanh sẽ sớm cải thiện. Và xét cho cùng, sự an toàn, phát triển của hệ thống ngân hàng luôn có quan hệ mật thiết tới ổn định kinh tế vĩ mô - điều mà Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư đều mong muốn.