Ngân hàng Việt khó được giảm phí thẻ quốc tế

Theo Nhuệ Mẫn/tinnhanhchungkhoan.vn

Các ngân hàng Việt đang đề xuất các tổ chức phát hành thẻ quốc tế như Visa, MasterCard giảm phí thẻ khi doanh thu từ hoạt động này giảm mạnh do tác động của bệnh dịch, nhưng khả năng được giảm phí không cao.

Ngân hàng Việt khó được giảm phí thẻ quốc tế.
Ngân hàng Việt khó được giảm phí thẻ quốc tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại Việt Nam, trong đó có hoạt động thẻ.

Cụ thể, tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước giảm 21%, doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ 2019.

Tương tự là mảng thanh toán khi doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu tháng 4, mức giảm bình quân là 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3.

“Tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4 và các tháng tới”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký VNBA cho biết.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc thẻ một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, trên thực tế, trong một giao dịch thẻ, Visa và MasterCard đang thu chồng chéo 3-4 loại phí và tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay.

Chẳng hạn, đối với thẻ do ngân hàng ngoài Việt Nam phát hành, phí được thu trên doanh số. Cụ thể, đối với Visa, phí thu trên doanh số khác là 0,2% (sau thuế 0,235%), bao gồm phí dịch vụ, nâng cấp hệ thống là 0,1% (sau thuế là 0,115%), phí thương hiệu là 0,1% (sau thuế là 0,12%); còn tại MasterCard là phí dịch vụ, nâng cấp hệ thống 0,02% (sau thuế 0,023%).

Phí thu trên doanh số của giao dịch xuyên biên giới so với phí thu trên doanh số của giao dịch trong Việt Nam, Mastercard thu cao gấp 30-70 lần, Visa thu cao gấp 10-30 lần.

“Đó là chưa kể đối với giao dịch được cấp phép nhưng không được chuẩn chi, ngân hàng không thu được phí từ đơn vị chấp nhận thẻ (giao dịch không được chủ thẻ thanh toán), mà vẫn phải trả phí cho tổ chức thẻ quốc tế”, vị giám đốc thẻ trên cho biết.

Ngoài ra, mức phí trao đổi (interchange) các tổ chức tín dụng thu cao, nên các ngân hàng thanh toán phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ cao tương ứng.

Phí interchange ngân hàng phát hành tại Việt Nam thu đối với đơn vị chấp nhận thẻ POS từ 0,2-0,3%, đối với đơn vị chấp nhận thẻ trực tuyến là từ 1,15-1,5%.

Phí ngân hàng thanh toán tại Việt Nam phải trả cho đơn vị chấp nhận thẻ POS và trực tuyến từ 1-1,97% tùy theo hạng thẻ.

Dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán sụt giảm dẫn đến ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi, nhưng vẫn tiếp tục chịu chi phí đầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thanh toán, trả phí interchange rất cao cho ngân hàng phát hành cùng các phí khác cho tổ chức thẻ quốc tế.

Trước thực tế này, VNBA đề nghị miễn và giảm 50% phí interchange thuộc các đơn vị kinh doanh như y tế, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng ăn uống...

Về lâu dài, VNBA đề nghị Visa và MasterCard giảm 50% phí trả cổng thanh toán đối với giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt xuống mức 0,015 USD/giao dịch.

Đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng phí chồng phí để hỗ trợ các ngân hàng Việt trong việc thu phí, có chính sách ưu đãi đối với giao dịch trong nướ nhằm giảm gánh nặng và thúc đẩy giao dịch thẻ nước ngoài…

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán về đến vấn đề này, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Visa hiện đang xúc tiến trao đổi cùng các ngân hàng và đối tác toàn cầu để ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng tôi cũng xem xét nhiều khía cạnh của mô hình kinh doanh để đảm bảo mang đến cho đối tác và cộng đồng những hỗ trợ cần thiết, tập trung vào vấn đề khẩn cấp nhất trong hoạt động kinh doanh của đối tác”.

Cùng vấn đề, câu hỏi cũng đã được gửi tới MasterCard, nhưng tổ chức này không trả lời.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc Ngân hàng số một ngân hàng cổ phần nhận định: “Có một thực tế là, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhỏ và sự hiện diện của các tổ chức thẻ quốc tế chưa rõ nét. Đặc biệt, thói quen dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn cao hơn các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia…, nên họ chưa đi sâu vào thị trường. Vì thế, khó có thể kỳ vọng vào sự hứa hẹn hay hỗ trợ gì”.