Ngành ngân hàng lạc quan về triển vọng kinh doanh

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng tỏ ra lạc quan - một cách có cơ sở - về triển vọng kinh doanh năm 2019. Nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tăng nhanh trong năm ngoái và năm nay được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lạc quan bao trùm

Nhìn lại 2018, ngành ngân hàng đã có một năm kinh doanh khởi sắc. Dù tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm qua, nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn đua nhau báo lãi khủng. Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đạt lợi nhuận cao nhất với hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 63% so với năm trước.

BIDV vẫn là ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 9.625 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.

VietinBank cũng báo lãi  6.800 tỷ đồng mặc dù trong quý cuối năm 2018, ngân hàng này đã phải giảm dư nợ tín dụng để bảo đảm hệ số an toàn vốn. Tương tự, các ngân hàng trong khối cổ phần cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng. Ví dụ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đạt lợi nhuận trước thuế trên 1.200 tỷ đồng, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Thực tế này đã tiếp thêm hy vọng cho ngành ngân hàng. Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê, có tới 79,3% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý 1.2019 và 88,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện hơn” so với năm 2018, trong đó 24-35% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Năm ngoái, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tăng nhanh. Năm nay, 77,6% các TCTD tiếp tục nuôi hy vọng nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ vẫn sẽ tăng trưởng so với 2018. Trong đó nhu cầu vay vốn được 80,7% các ngân hàng kỳ vọng tăng mạnh, tiếp đến là nhu cầu gửi tiền và dịch vụ thanh toán với mức kỳ vọng lần lượt là 66% và 64%.

Cũng trong cả năm 2019, đa số các TCTD cũng kỳ vọng thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng được giữ ở mức thấp trong năm 2018 và có xu hướng giảm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi - cho vay tiếp tục duy trì xu hướng ổn định.

Dự báo về khả năng huy động vốn trong năm 2019, các TCTD kỳ vọng huy động vốn tăng trưởng bình quân 13,9%, trong đó tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND tăng nhanh hơn so với huy động vốn ngoại tệ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống được kỳ vọng đạt 15,27% tính đến cuối năm.

Liệu có quá đà?

Tuy vậy, theo phân tích của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm nay hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như vấn đề tăng vốn, xử lý nợ xấu…, điều này sẽ làm chi phí của ngành ngân hàng gia tăng. Vì vậy, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ không quá lạc quan.

Áp lực tăng vốn với các ngân hàng quả là không nhỏ, nhất là với nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, khi mà thời điểm đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II đang đến gần. Lộ trình Ngân hàng Nhà nước đề ra là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12 - 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II. Trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành ngày 8.1.2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD “hoàn thiện và từng bước triển khai hệ thống quản trị rủi ro theo lộ trình Basel II”, “bảo đảm thực hiện đúng thời hạn Thông tư 41/2016 (quy định tỷ lệ an toàn vốn)”.

Nợ xấu năm 2018 đã bớt xấu hơn, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 12.2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 1,99% cuối năm 2017 và mức 2,46% cuối năm 2016. 1,89% cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, chuyển biến rất lớn trong công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua chủ yếu nhờ đóng góp của biện pháp trích lập dự phòng rủi ro chứ không hẳn chỉ là việc thu nợ hay phát mãi tài sản bảo đảm.

Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng năm 2019 được khống chế ở mức 14%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, các TCTD phải thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng và kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019.  Điều này tất yếu ảnh hưởng lớn tới doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng, bởi hiện nay tín dụng vẫn đóng góp tới 70 - 80% tổng nguồn thu của họ.

Công ty chứng khoán BVSC cũng cho rằng, biên lợi nhuận (chỉ số cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập) của một số ngân hàng còn bị giảm do tác động tiêu cực từ việc giảm tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 40% và nguồn vốn giá rẻ từ kho bạc giảm trong năm 2019.  

Đó là chưa kể tới những biến động bất thường từ thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lộ trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu cuộc chiến này trở nên căng thẳng hơn, chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.

Trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, theo đó mức độ chịu ảnh hưởng sẽ là không nhỏ nếu tình hình kinh tế thế giới xấu đi. Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sự bất lợi trên sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng.