Nhà băng tăng cường tín dụng bán lẻ

Theo Minh KHôi/thoibaonganhang.vn

Trong định hướng chiến lược, nhiều nhà băng đều đặt ra mục tiêu phát triển mạnh mảng bán lẻ trong thời gian tới. Các dịch vụ chủ yếu của ngân hàng bán lẻ là tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ…

Hiện đã có nhiều ngân hàng đang chuyển sang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Nguồn: internet
Hiện đã có nhiều ngân hàng đang chuyển sang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Nguồn: internet

Theo thông tin từ Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng năm 2018 ước khoảng 14 - 15%, thấp hơn nhiều so với 3 năm liền trước. Giới chuyên gia cũng nhận thấy, nhiều khả năng năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14 - 15%. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng được dự báo sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ bán lẻ để bù đắp nguồn thu từ tín dụng.

Thêm nữa, theo lộ trình Chính phủ đặt ra, đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bán lẻ chắc chắn sẽ ngày càng được phủ rộng, điều này khiến các nhà băng phải có chiến lược đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng mình.

Theo đó, hiện đã có nhiều ngân hàng đang chuyển sang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, xu hướng này cũng được dự báo sẽ nở rộ trong năm 2019. Trong định hướng chiến lược, nhiều nhà băng đều đặt ra mục tiêu phát triển mạnh mảng bán lẻ trong thời gian tới. Các dịch vụ chủ yếu của ngân hàng bán lẻ là tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… Theo chia sẻ của CEO một NHTM, dù tín dụng năm 2018 tăng chậm nhưng các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận tương đối khả quan nhờ đẩy mạnh bán lẻ. Vì thế rất nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh cho mảng này.

Đơn cử như trường hợp HDBank, vừa được nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu năm 2018” do VNBA và IDG trao tặng, nhà băng này đã thực hiện sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của Công ty tài chính tiêu dùng SGVF (nay là HD Saison). Sau 5 năm, HD Saison đã tăng trưởng khoảng 10 lần và trở thành một trong ba công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu. Cũng với định hướng đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, TPBank nhiều năm trở lại đây đã tập trung giới thiệu nhiều sản phẩm mới, nâng cấp dịch vụ, quảng bá thương hiệu… tới khách hàng, tận dụng tối đa nền tảng công nghệ của mình. LiveBank của TPBank lần đầu ra mắt vào năm 2017, cho đến nay đã có hơn 60 điểm LiveBank trên toàn quốc với gần 500.000 lượt giao dịch thành công, phục vụ gần 50.000 khách hàng. Ngân hàng này mới đây cũng cập nhật thêm tính năng phát hành thẻ ngay lập tức tại LiveBank…

VIB cũng là một trong những ngân hàng cho vay bán lẻ lớn nhất thị trường. Mô hình phát triển thẻ tín dụng đa kênh cũng giúp ngân hàng này gia tăng mạnh mẽ cho mảng thẻ với nhiều tiện ích kết hợp của ngân hàng số, kênh mạng lưới chi nhánh, kênh bán hàng trực tiếp và kênh bán hàng qua điện thoại. Mô hình bancassurance của VIB đã lên top ba thị trường.

Cũng như VIB, nhiều nhà băng thời gian qua đã đẩy mạnh hợp tác với nhiều đơn vị bảo hiểm, mới đây SHB cũng đã ký kết hợp tác toàn diện với Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. “Với sự hợp tác này sẽ mang đến những thay đổi tích cực nhằm thúc đẩy và lan toả những tiện ích của ngành bán lẻ trong hoạt động ngân hàng - bảo hiểm, bằng việc phát huy thế mạnh giúp khách hàng trải nghiệm dịch vụ tiện ích của hai bên”, CEO một NHTM chia sẻ.

Thực tế, các ngân hàng có quy mô nhỏ khó mà cạnh tranh được với nhóm các ngân hàng lớn trong việc tìm những DN có tầm cỡ nên họ “chạy” vào bán lẻ. Song nhiều năm trở lại đây, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà kể cả những ông lớn cũng quan tâm nhiều hơn tới mảng kinh doanh này. Nguyên do được lý giải do việc cho vay DN cũng như các dự án phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Đặc biệt khi sự cạnh tranh trên thị trường ngày một khốc liệt với sự đổ bộ của nhiều ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xu hướng bán lẻ của NHTM gia tăng mạnh đang trở thành kênh cạnh tranh quan trọng cho các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận từ kênh cho vay tiêu dùng. Nhu cầu vay tiền cho các mục đích tiêu dùng hàng hoá có giá trị cao, thiết yếu tăng mạnh mẽ. Một chuyên gia nhận thấy, tỷ trọng cho vay mua phương tiện giao thông giảm nhưng tốc độ tăng cho mục đích vay nợ này vẫn tiếp tục tăng. Khoản vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa, cho vay thông qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản cũng tăng nhanh…

Ngân hàng bán lẻ cũng như ngành tài chính tiêu dùng đều là những phân khúc hoạt động hiệu quả. Song chuyên gia lưu ý, việc phát triển hai ngành này có sự khác nhau. Phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam được tiếp tục đẩy mạnh trên nền tảng truyền thống mà các ngân hàng trước đây đã thiết lập. Còn tín dụng tiêu dùng có đặc thù riêng về sản phẩm, hướng tới cho vay các khoản nhỏ lẻ, vay tín chấp.

Như vậy, các nhà băng cần phải cân nhắc khi bước chân vào lĩnh vực này. Vay tín chấp là tương đối rủi ro, nhất là khi đa phần người dân tại Việt Nam chưa có thói quen giữ điểm tín nhiệm tín dụng của mình như nhiều quốc gia khác; Việt Nam cũng chưa có hệ thống xếp hạng tín nhiệm cá nhân.

Bởi thế, “đòi hỏi ngân hàng cho vay tín chấp tiêu dùng phải đặc biệt quan tâm đến khả năng trả nợ cũng như xem xét kỹ lưỡng nguồn trả nợ của khách hàng”, một chuyên gia chia sẻ.