Nhận diện tiền điện tử tại Việt Nam

Theo Trí Dũng/saigondautu.vn

Tiền điện tử về cơ bản đã và đang tồn tại trên thị trường Việt Nam dưới 2 dạng thức chính gồm: Ví điện tử và thẻ trả trước. Những loại hình này được điều chỉnh bởi một số văn bản hiện hành như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 101, Nghị định số 80, Thông tư số 19, Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… Hiện nay cả 2 đang có sự phát triển mạnh mẽ cùng thương mại điện tử.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Các hình thức biểu hiện

Hiện chưa có khái niệm định nghĩa tiền điện tử cụ thể tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới được biết đến rộng rãi và chấp nhận bởi nhiều quốc gia thông qua Chỉ thị về tiền điện tử của Hội đồng châu Âu (EC) 2009 và định nghĩa của NH Thanh toán quốc tế (BIS). Dù định nghĩa có sự khác nhau một chút, nhưng tựu trung tiền điện tử (e-money) là cách thức thể hiện dưới dạng số giá trị tiền pháp định của một quốc gia (thí dụ VNĐ, USD, EUR...), được bảo đảm bởi NH trung ương (NHTW) quốc gia đó, hay các tổ chức tài chính chịu sự quản lý của NHTW. Trong khi đó tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa) không phải là tiền pháp định.

Khái niệm tiền điện tử và tiền ảo có sự giao thoa nhiều lúc gây hiểu nhầm, đó là cả hai đồng tiền này đều hoạt động dựa trên nền tảng số, kết nối các biến liên quan bằng phương thức điện tử, và xử lý giao dịch qua hệ thống máy tính kết nối mạng.

Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh, do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên vật mang tin như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…, cho phép lưu giữ một số tiền được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương số tiền được chuyển từ tài khoản (TK) thanh toán của  khách hàng tại NH  vào TK đảm bảo thanh toán, của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1, và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện NHNN đã cấp phép cho 23 đơn vị không phải là NH được cung cấp dịch vụ ví điện tử, thí dụ Payoo, VNPAY, MoMo, SenPay, Moca, Viettelpay....Dịch vụ này tăng trưởng mạnh theo sự phát triển của thương mại điện tử. Đến nay tổng số khách hàng sử dụng đạt hơn 5,9 triệu người, và số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán ngày càng gia tăng. Tính đến hết quý III-2018, tổng giá trị giao dịch của dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam là 25.147 tỷ đồng.

Còn thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ, tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ. Thẻ trả trước hiện nay có thể được phát hành bởi cả NH và các tổ chức phi NH. Hiện số lượng thẻ trả trước của các NH cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt qua từng năm.

Cơ hội phát triển 

Theo Vụ Thanh toán NHNN có rất nhiều cơ hội phát triển tiền điện tử: (i) 65% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi trẻ (dưới 35) dễ tiếp cận công nghệ với 51 triệu người hiện sử dụng điện thoại thông minh và 50 triệu người sử dụng internet; mạng di động 3G/4G phủ sóng tới hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. (ii) Thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới với các công nghệ tiện  ích như mã QR/tiếp xúc trường gần, NFC/số hóa thông tin thẻ (tokenization)... (iii) Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán điện tử, ví điện tử, thẻ trả trước đang được hoàn thiện. (iv) Một số NH hiện đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, mới với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Tuy nhiên, Vụ Thanh toán cũng cho rằng, còn nhiều thách thức trong phát triển tiền điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là  thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán chưa đồng đều, khuôn khổ pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện, tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, Việt Nam cần có một số giải pháp để hoàn thiện khung pháp lý cho tiền điện tử tại Việt Nam. Chẳng hạn cần hoàn thiện quy định làm rõ khái niệm, bản chất của tiền điện tử, đồng thời xác định làm rõ đối tượng cung ứng tiền điện tử và phạm vi điều chỉnh. Hoàn thiện cơ chế quản lý các tổ chức phát hành tiền điện tử không phải NH. Xây dựng cơ chế đảm bảo chấp nhận thanh toán liên thông giữa các ví điện tử khác nhau, nhằm mở rộng phạm vi, mức độ chấp nhận tiền điện tử, ví điện tử.