Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại các tổ chức tín dụng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 Tháng 5/2020

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là một trong những nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các nước tiếp nhận. ODA được tài trợ cho các chương trình dự án thông qua các phương thức gồm cấp phát và cho vay lại. Cho vay lại vốn ODA thông qua các tổ chức tín dụng là một kênh phân phối vốn hữu hiệu hiện nay. Bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cho vay lại vốn ODA tại các tổ chức tín dụng từ đó giúp ngân hàng xây dựng các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quy trình cho vay lại vốn ODA tại tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng (TCTD) với vai trò là trung gian cầu nối cho vốn vay ODA của Chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA thành công và hiệu quả.

Mohamed Ariff (1998) cho rằng, đối với các quốc gia đang phát triển, việc tăng cường cơ chế cho vay lại để đảm bảo hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ODA là thực sự cần thiết, các địa phương và tổ chức kinh tế vay lại vốn ODA tự chịu trách nhiệm trả nợ theo cam kết khoản vay. Cho vay lại vốn ODA được hiểu là việc các TCTD nhận ủy thác của Chính phủ thực hiện cho vay lại các dự án ODA theo chỉ định của Chính phủ hoặc vay lại vốn ODA từ Chính phủ để cho vay lại các chương trình, hợp phần tín dụng của dự án sử dụng vốn ODA nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi cho quốc gia. Vì vậy, nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại các TCTD là cần thiết, xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, vai trò của vốn ODA đối với phát triển kinh tế - xã hội.

- Vốn ODA là nguồn bổ sung vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đầu tư cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật một lượng lớn vốn ODA đã được sử dụng để đầu tư cho việc phát triển ngành giáo dục, y tế, hỗ trợ phát triển ngành Nông nghiệp…

- Vốn ODA giúp cho việc tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực. Thông qua các dự án ODA các nhà tài trợ có những hoạt động nhằm giúp nước tiếp nhận nâng cao trình độ khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực như: Cung cấp các tài liệu kỹ thuật, tổ chức các hội thảo với sự tham gia của những chuyên gia, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển và chuyển giao đầy đủ công nghệ... Qua đó, góp phần bổ sung đáng kể vào việc nâng cao trình độ khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của nước tiếp nhận.

- Vốn ODA giúp cho việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Các dự án ODA mà các nhà tài trợ dành cho nước tiếp nhận thường ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cân đối giữa các ngành, các vùng khác nhau.

- Vốn ODA góp phần tăng khả năng thu hút FDI và tạo điều kiện để mở rộng đầu tư phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định bỏ vốn đầu tư vào một nước, trước hết họ quan tâm tới khả năng sinh lợi của vốn đầu tư tại nước đó. Bởi vậy, đầu tư vào việc nâng cấp, cải thiện và xây mới các cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính, ngân hàng đều cần thiết nhằm làm cho môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn.

Thứ hai, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của TCTD.

Nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA mang lại những lợi ích thiết thực cho TCTD như: tăng cường nguồn thu, chất lượng tín dụng, cải tiến phương thức quản lý, phương thức cho vay lại, cụ thể:

- Nâng cao uy tín của TCTD trong hệ thống tài chính quốc gia và khẳng định vai trò của TCTD đối với các nhà tài trợ quốc tế, tạo tiền đề cho xây dựng chiến lược phát triển bền vững của TCTD.

- Gắn liền cho vay lại vốn ODA với huy động và thu hút hỗ trợ kỹ thuật, góp phần bổ sung kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực thẩm định, phân tích đánh giá dự án và kinh nghiệm quản lý cho cán bộ của TCTD.

- Mở rộng quy mô hoạt động, cũng như khả năng huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế.

Cho vay lại vốn ODA thông qua kênh tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hạn chế rủi ro và tăng cường khả năng trả nợ. Xây dựng quy trình cho vay lại ODA tại các TCTD có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị vốn ODA. Theo đó, các TCTD cần xây dựng quy trình cho vay theo bốn giai đoạn sau: (1) Thẩm định duyệt vay; (2) Thực hiện cho vay lại; (3) Thu hồi và xử lý nợ cho vay lại; (4) Quản lý rủi ro cho vay lại vốn ODA (Sơ đồ 1).

Nhóm nhân tố khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Với đặc thù và tầm quan trọng trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, vốn ODA được xác định là một phần của nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của các quốc gia. Mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn của từng quốc gia sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn ODA cho vay lại vào đầu tư phát triển các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

Các nước tiếp nhận vốn ODA đều sử dụng nguồn vốn này để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, cải thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy các nguồn lực trong nước và hội nhập quốc tế.

Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại các tổ chức tín dụng - Ảnh 1

Vì vậy, nguồn vốn tín dụng phát triển nói chung và vốn ODA cho vay lại nói riêng sẽ được các nước tiếp nhận sử dụng tập trung thực hiện các nhiệm vụ như cải cách thể chế kinh tế; đổi mới phương thức quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực xã hội; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quan hệ hợp tác phát triển và chính sách của nhà tài trợ quốc tế

Quan hệ hợp tác phát triển và chính sách của nhà tài trợ quốc tế ảnh hưởng khá lớn đến việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA đến tổng vốn ODA Chính phủ vay nước ngoài về thực hiện cho vay lại các dự án ODA và lĩnh vực đầu tư phát triển của từng quốc gia; đến hiệu quả sử dụng vốn ODA đối với phát triển nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận. Đối với các nước kém phát triển, quan hệ hợp tác chủ yếu là viện trợ phát triển, vốn ODA chủ yếu là từ nguồn viện trợ hoặc ODA vay với mức ưu đãi rất cao, ODA được sử dụng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế và xóa đói nghèo, nâng cao phúc lợi xã hội. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, quan hệ quốc tế thường chuyển sang hình thức đối tác phát triển, đối tác chiến lược nhằm đa dạng hóa thu hút nguồn lực. Vốn ODA có xu hướng giảm, chủ yếu là vốn vay với các điều kiện kém ưu đãi hơn, vì vậy ODA được tập trung vào các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế mũi nhọn, trọng điểm để thúc đẩy phát triển bền vững.

Chiến lược, chính sách tài trợ vốn ODA của các nhà tài trợ quốc tế cũng khác nhau trên những định hướng ưu tiên theo ngành, địa bàn lãnh thổ cùng với quy trình thủ tục cung cấp ODA khác nhau đối với từng quốc gia tiếp nhận. Ví dụ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ qua ba trụ cột là tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường; Ngân hàng Thế giới tập trung hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững và tăng khả năng tiếp cận cơ hội; Bỉ hỗ trợ các lĩnh vực gồm nước sạch và vệ sinh môi trường, quản lý nhà nước, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực…

Khung pháp lý về cho vay lại vốn ODA

Hệ thống văn bản pháp lý về cho vay lại vốn ODA của Nhà nước ảnh hưởng đến cơ chế cho vay lại, đối tượng cho vay lại, điều kiện được vay lại và công tác quản lý vốn ODA cho vay lại các chương trình, dự án đầu tư tại TCTD. Các quốc gia nhận tài trợ vốn ODA đều xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để điều tiết các chính sách thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA nhằm đảm bảo vốn ODA sử dụng có hiệu quả, đạt được mục tiêu chiến lược.

Năng lực sử dụng vốn ODA vay lại của chủ đầu tư

Năng lực sử dụng vốn của chủ đầu tư là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA cho vay lại. Sự thành công của dự án ODA đồng nghĩa với sự đạt được mục tiêu tài trợ vốn của TCTD đề ra. Sự thành công của dự án ODA được đánh giá trên cả hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế xã hội, những đóng góp của dự án vào phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Năng lực sử dụng vốn ODA của chủ đầu tư là cơ sở để đảm bảo chương trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, tiếp cận công nghệ cao và tăng cường kỹ năng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Năng lực sử dụng vốn của chủ đầu tư còn là cơ sở để khai thác dự án có hiệu quả, tạo ra doanh thu đảm bảo trả nợ và chi phí lãi vay cho khoản vay nước ngoài đầy đủ và đúng hạn. Thực tế triển khai dự án ODA tại một số quốc gia cho thấy, nguyên nhân dự án ODA chậm tiến độ, không có khả năng hoàn trả vốn vay phần lớn là do năng lực sử dụng vốn của chủ đầu tư còn hạn chế.

Nhóm nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA

Cơ chế cho vay lại vốn ODA của tổ chức tín dụng

Quy chế, quy trình cho vay lại ODA tại TCTD là sự cụ thể hóa pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn ODA. Đó là những quy định cụ thể của TCTD về đối tượng được vay lại, hình thức cho vay, mức vốn cho vay, đồng tiền cho vay lại và thu nợ, thời hạn, lãi suất, các loại phí, bảo đảm tiền vay, thẩm định dự án, quản lý giải ngân, thu hồi nợ cũng như xử lý rủi ro cho vay lại vốn ODA. Quy trình thực hiện cho vay lại vốn ODA có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế, giảm thiểu các sai sót khi thực hiện cho vay lại. Quy trình sẽ quy định rõ từng khâu công việc và trách nhiệm cụ thể của các cán bộ có liên quan. Nếu quy trình đúng, hợp lý và khoa học đến từng khâu thì sẽ hạn chế khả năng phát sinh các sai sót. Ngược lại, quy trình thiếu tính khoa học, thiếu tính đúng đắn tất yếu dẫn đến mọi hoạt động thực hiện quy trình đó đều sai sót, ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA cho dự án đầu tư.

Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại các tổ chức tín dụng - Ảnh 2

Uy tín và xếp hạng tín nhiệm của tổ chức tín dụng

Xếp hạng tín nhiệm TCTD phản ánh khả năng và sự sẵn sàng trong việc thanh toán khoản nợ đúng hạn, đó là việc TCTD được đánh giá năng lực tài chính, tình hình hoạt động hiện tại và triển vọng phát triển trong tương lai, từ đó xác định mức độ rủi ro và khả năng trả nợ trong tương lai của ngân hàng.

Xếp hạng tín nhiệm là cơ sở để TCTD nâng cao uy tín trong hệ thống tài chính quốc gia và sự quan tâm, thừa nhận của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương. Xếp hạng tín nhiệm là tiền đề, cơ sở pháp lý và thực tiễn để TCTD minh chứng năng lực của mình đối với Chính phủ, nhà tài trợ quốc tế, từ đó thuyết phục Bộ Tài chính giao thẩm quyền và quyền tự quyết định đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA cho vay lại, thuyết phục các nhà tài trợ giao nguồn vốn vay ODA với quy mô lớn hơn, đa dạng hơn. Bên cạnh đó, uy tín và xếp hạng tín nhiệm cũng là cơ sở để TCTD tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, tìm kiếm khả năng huy động vốn, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác quốc tế trên phương diện hỗ trợ kỹ thuật nhằm tiếp thu các kinh nghiệm quản lý từ chuyên gia nước ngoài.

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ góp phần hỗ trợ TCTD phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho vay lại. Hệ thống này phục vụ cho việc quản lý chất lượng cho vay lại, giúp ngân hàng xác định và chính xác mức độ rủi ro theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Căn cứ vào mức xếp hạng, chính sách tín dụng sẽ được xây dựng một cách đồng bộ và rõ ràng, qua đó góp phần giảm thiểu chi phí quản lý tín dụng. Đây là căn cứ quan trọng để ra quyết định cho vay lại ODA.

Căn cứ để xếp hạng là cơ sở dữ liệu hiện có về chủ đầu tư, bao gồm các dữ liệu tài chính và dữ liệu phi tài chính. Đây là căn cứ để quản lý rủi ro đối với từng dự án ODA và quản lý rủi ro đối với danh mục cho vay. Xếp hạng tín dụng nội bộ là chấm điểm cho từng chủ đầu tư. Xếp hạng tín dụng nội bộ được sử dụng trong quản lý rủi ro tín dụng, chủ đầu tư có thứ hạng cao thì càng ít có khả năng bị vỡ nợ. Kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ là cơ sở để thẩm định khoản vay, ra quyết định phê duyệt khoản vay.

Năng lực chuyên môn và quản lý của cán bộ tín dụng

Trình độ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và đạo đức nghề nghiệp là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại TCTD. Một TCTD có hệ thống đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý cao, tuân thủ nguyên tắc của đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn hoạt động sẽ đạt hiệu quả cao và ngược lại sẽ dẫn đến những trì trệ, sai sót, kém hiệu quả. Trong quá trình đánh giá về chất lượng nhân lực, các nhà nghiên cứu đều thống nhất trên các tiêu chí như trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm công tác, năng lực thực thi nhiệm vụ...

Đối với cho vay lại vốn ODA để thực hiện mục tiêu phát triển, chất lượng nhân lực của TCTD được đánh giá dựa trên các yếu tố sau: Năng lực trong hoạt động hợp tác quốc tế; Năng lực chuyên môn trong thẩm định dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn ODA vay lại; Năng lực chuyên môn trong quá trình thực hiện cho vay lại; Năng lực trong hoạt động kiểm tra, giám sát bên vay lại sau khi giải ngân; Năng lực quản lý rủi ro tín dụng vốn ODA cho vay lại.

Cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ cho vay lại vốn ODA

Cơ sở vật chất, phương tiện trang bị cho hoạt động cho vay lại vốn ODA cũng là nhân tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả cho vay lại. TCTD có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao sẽ thực hiện và quản trị tốt nghiệp vụ cho vay lại vốn ODA nói riêng và toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Trang thiết bị, công nghệ là cơ sở để tổ chức tốt hệ thống thông tin quản trị trong ngân hàng, giúp cán bộ nghiệp vụ thực hiện hiệu quả công việc được giao, giúp nhà quản lý nắm bắt được thông tin một cách kịp thời, chính xác để từ đó đưa ra quyết định quản lý hiệu quả.

 Kết luận

Trong bối cảnh thu hút ODA đang có xu hướng giảm, việc tận dụng và sử dụng có hiệu quả vốn ODA đang là vấn đề bức thiết, mấu chốt là nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA. Phân tích nhân tố ảnh hưởng giúp cho các TCTD thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay lại vốn ODA trong bối cảnh hiện nay. 

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2018), Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

Chính phủ (2016), Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

Nguyễn Thị Tình (2013), Thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA: Nhìn từ Malaysia và Indonesia, Tạp chí Tài chính, số tháng 8/2013;

Assefa Abebe (2013), The role of official Development Assistance (ODA) in Economic Development: the Case of South Korea, Ethiopian Economic Association, Vol.3, pp.84-90;

Mohamed Ariff (1998), APEC & Development Co-operation, Institute of Southeast Asian Studies, 1998;

Mohd Ikbal (2017), Official Development Assistance (ODA) Loans To Malaysia 1969-2010: An Analysis, Research Gate, Vol. 85, February 2017.