Nhìn từ việc đầu tư ra nước ngoài của ngân hàng Việt

Theo Khuê Nguyễn/thoibaonganhang.vn

Làn sóng vươn ra thị trường khu vực của các ngân hàng Việt đang có xu hướng mạnh dần.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính chung 11 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (bao gồm cả cấp mới và tăng thêm) đạt 357,5 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư.

Trên thực tế, làn sóng vươn ra thị trường khu vực của các ngân hàng Việt đang có xu hướng mạnh dần. Đơn cử mới đây, Vietcombank đã khai trương Vietcombank Lào – ngân hàng con đầu tiên tại nước ngoài. Lào cũng là quốc gia có nhiều hiện diện của ngân hàng Việt Nam như BIDV, SHB, MB, Sacombank, VietinBank. Ngày 28/11 vừa qua, VietinBank cũng đã khai trương chi nhánh Vientiane tại Thủ đô Vientiane (Lào). Đây là chi nhánh thứ hai của VietinBank Lào được khai trương và đi vào hoạt động sau khi nâng cấp lên ngân hàng con năm 2015.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, các ngân hàng Việt đang có những tín hiệu tích cực khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Quả vậy, theo báo cáo của một số ngân hàng có hiện diện tại nước ngoài, thì việc “làm ăn” của các nhà băng này tương đối khả quan. Đơn cử như SHB, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh khu vực nước ngoài năm 2017 là 192 tỷ đồng, bằng 10% tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này.

Song cũng phải nhìn nhận việc đầu tư ra nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn, khi “chúng ta mới chỉ bước chân vào những thị trường lân cận như Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar. Những khu vực khác còn hạn chế”, vị chuyên gia trên cho biết. Thông thường, các ngân hàng mở hệ thống chi nhánh tại nước ngoài để theo chân những doanh nghiệp lớn của họ, hoặc nhắm tới các quốc gia có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống. Chính bởi thế, điều này lý giải tại sao các quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar... là thị trường ưa chuộng của các ngân hàng Việt.

Theo mục tiêu tại Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025 có ít nhất 2 - 3 ngân hàng Việt nằm trong Top 100 ngân hàng châu Á về tổng tài sản và có 3 - 5 ngân hàng niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài. Vì vậy, việc mở rộng mạng lưới hoạt động sang các nước trong khu vực đang nằm trong chiến lược của khá nhiều nhà băng.

Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài là không đơn giản. Việc mở văn phòng đại diện, hay chi nhánh tại nước ngoài đòi hỏi chi phí rất cao từ việc đầu tư, trả lương cho nhân viên. Mà để làm được thì nhà băng phải có khách hàng lớn, hoạt động ngân hàng đáng kể để có thể bù đắp chi phí và sinh lời. Đó là chưa kể, thị trường tài chính – ngân hàng ở những nền kinh tế phát triển thì sức cạnh tranh vô cùng lớn. Trong khi đa phần hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn tiệm cận được với các chuẩn mực thông lệ quốc tế, đây cũng là trở ngại khiến các ngân hàng Việt khó thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ, châu Âu...

Việc sắp tới hàng loạt FTA được ký kết, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực hứa hẹn mở ra những thị trường mới cho các ngân hàng Việt Nam mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cũng phải nhận thức rằng, cơ hội sẽ chia đều cho tất cả các bên tham gia, quan trọng là việc tận dụng nó như thế nào. Việt Nam có cơ hội để bước chân vào những thị trường tài chính của các quốc gia khác cùng cam kết và các quốc gia phát triển cũng có những cơ hội tương tự tại thị trường Việt Nam.

“Đối với những quốc gia lân cận, có trình độ phát triển tương đồng thì hệ thống ngân hàng Việt sẽ dễ thâm nhập hơn”, chuyên gia chia sẻ.

“Thời gian tới, ngân hàng Việt có thể xem xét, nghiên cứu đầu tư tại một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Philippines... Còn chẳng hạn như châu Phi, dù đây là khu vực Việt Nam có cơ hội và tiềm năng phát triển, nhưng đó là về mặt xuất nhập khẩu, bán hàng hoá, còn với dịch vụ tài chính ngân hàng thì còn tương đối xa xôi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Trên thực tế, một khi giao thương hàng hoá Việt Nam với những khu vực này phát triển, thì lúc bấy giờ thị trường tiền tệ có thể đi theo. Các ngân hàng không thể đi trước giao dịch thương mại, mà cần doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự tiên phong mở rộng thị trường của mình, khơi dậy tiềm năng cho hàng hoá Việt Nam. “Tôi cho rằng, việc ngân hàng Việt “một mình một ngựa” bước chân vào một thị trường mới mẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt ở đó, phải cạnh tranh với các doanh nghiệp bản xứ thì khó có khả năng phát triển tốt được”, ông này bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, CEO một ngân hàng thương mại có hiện diện tại nước ngoài cho hay: “Trước khi đặt chân vào thị trường nước ngoài, ngân hàng phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu luật pháp, quy định, văn hoá tại quốc gia/khu vực đó, hiểu tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp tại nơi đó. Ngay cả khi chỉ làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường đó cũng là thành phần của nền kinh tế đó nên họ có thể có những phương thức, hoạt động kinh doanh mang tính đặc thù. Thêm nữa, đối với những thị trường tiên tiến, đòi hỏi chi phí cao, vốn đầu tư tại những nơi này cần phải được sắp xếp và phải chấp nhận chi phí cơ hội thời gian đầu, trước khi có thể có lãi”.

Chuyên gia cũng khuyến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm thúc đẩy các ngân hàng thương mại Việt Nam thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng thương mại tại khu vực nhằm tạo thuận lợi cho kênh thanh toán, giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khu vực.