Nóng bỏng cuộc đua dịch vụ ngân hàng đầu tư

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Dịch vụ ngân hàng đầu tư đang rất nóng trong giới chứng khoán vì giúp các công ty "hái ra tiền", đồng thời nâng cao vị thế uy tín, thương hiệu của mình. Vì vậy, thời gian qua, một số ngân hàng cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia lĩnh vực này.

Dịch vụ ngân hàng đầu tư giúp các công ty chứng khoán "hái ra tiền" và nâng cao vị thế uy tín, thương hiệu. Nguồn: Internet
Dịch vụ ngân hàng đầu tư giúp các công ty chứng khoán "hái ra tiền" và nâng cao vị thế uy tín, thương hiệu. Nguồn: Internet

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho biết trên danh nghĩa chính thống chưa có quy định cụ thể về dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), nhưng thực tiễn các ngân hàng đã tham gia IB dưới hình thức thành lập công ty chứng khoán và đem về doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Ngân hàng đẩy mạnh IB

Dịch vụ IB là cụm từ chỉ chung cho các nghiệp vụ như tư vấn doanh nghiệp (DN), tư vấn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hay mua bán và sáp nhập (M&A) cho các DN, phát hành cổ phiếu, bảo lãnh phát hành…

Đánh giá của nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng thời gian tới, làn sóng M&A sẽ bùng nổ. Cùng với đó, Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thoái vốn trong các DN nhà nước, nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á trong những năm tới.

Giới chuyên gia dự báo, IB đang là ngành "hot" và đem về doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các công ty chứng khoán.

Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng mảng kinh doanh IB không hề dễ dàng với các DN nhỏ. Ngoài kinh nghiệm đàm phán, mạng lưới quan hệ, IB còn cần đến các nghiệp vụ ngân hàng như tỷ giá, ngoại hối, đặc biệt quy mô vốn cũng phải lớn. Vì vậy mảng kinh doanh này được đánh giá thuận lợi hơn với các ngân hàng và các DN lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, số lượng các ngân hàng tham gia lĩnh vực này rất ít, do Việt Nam chưa có quy định cụ thể về IB.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Lực cho rằng thực tế tại Việt Nam không có danh nghĩa chính thống về IB, nhưng thực tiễn các ngân hàng đã tham gia lĩnh vực này dưới hình thức thành lập công ty chứng khoán. Đồng thời, trong mỗi ngân hàng có bộ phận về kinh doanh vốn, tham gia rất nhiều vào IB. Ví dụ như tư vấn DN, phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, tư vấn thông tin, M&A cho DN…

Theo ông Lực, khi xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã bàn đến việc nên có một chương quy định riêng về IB, nhưng không thành hiện thực do lo IB tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với ngân hàng thương mại thông thường.

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi các ngân hàng và công ty chứng khoán đang tham gia theo hướng đan xen lẫn nhau. "Việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực IB là rất cần thiết", ông Lực khẳng định.

Doanh thu khổng lồ

Có thể thấy, thời gian qua, một số "ông lớn" ngân hàng đã nhanh nhạy và chiếm lĩnh thị trường này với các dịch vụ IB nổi bật, mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm như: công ty Chứng khoán BIDV (BSC), công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)… Ngoài ra, một số ngân hàng nước ngoài cũng tham gia tích cực vào thị trường này như công ty Chứng khoán SHC (VCSH)…

Hai năm qua, VCSC đã thực hiện nhiều hợp đồng giá trị trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, thủy sản, vật liệu xây dựng, bất động sản… như thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco với giá trị 110.000 tỷ đồng; thương vụ bán vốn nhà nước tại Vinaconex với tổng giá trị 7.366 tỷ đồng; tư vấn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A ở Vinatex (10%), Thép Việt Ý (45%), Tập đoàn PAN (8,97%)… và tư vấn và bảo lãnh phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu DN.

Nhờ đó, doanh thu IB của VCSC cũng tăng đáng kể theo các năm. Chẳng hạn, năm 2017, khối IB của VCSC đạt doanh thu 254 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với cùng kỳ, năm 2018 ước tính doanh thu IB của VCBS ở mức 458 tỷ đồng.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc HSC, thừa nhận lợi ích từ IB không chỉ là phí tư vấn mà còn là những giá trị tác động đến uy tín thương hiệu, đến khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển mảng môi giới, dịch vụ tài chính (cho vay ký quỹ), tự doanh của các công ty chứng khoán. Vì vậy, hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều cho biết sẽ ưu tiên đầu tư đẩy mạnh mảng IB.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hầu hết các công ty chứng khoán thành công trong lĩnh vực IB đều có "bệ đỡ" là ngân hàng mẹ nên có thể cung cấp sản phẩm trọn gói từ IB đến ngân hàng thương mại, thiết kế các gói sản phẩm IB tiếp cận được với DN.

"Bản chất của IB vẫn là một mô hình kinh doanh dịch vụ. Vì thế, các công ty chứng khoán được "hậu thuẫn" từ các ngân hàng sẽ được thừa hưởng nền tảng vững chắc từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, mạng lưới khách hàng rộng lớn và nền tảng kiến thức ngân hàng chuyên sâu, nguồn vốn vững mạnh từ ngân hàng mẹ", một chuyên gia nhận định.