"Phá rào cản" chính sách để M&A ngân hàng bùng nổ

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, tổng tài sản lên đến hàng chục tỷ USD nhưng cũng khó thực hiện thương vụ đầu tư chiến lược vào ngân hàng Việt do không đáp ứng được quy định về mặt pháp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong 10 tháng đầu năm, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng vẫn hết sức nhộn nhịp dù mới chỉ có 2 thương vụ chào bán cổ phần cho đối tác ngoại thành công, song vẫn còn gần chục thương vụ đang đàm phán cho thấy sức hấp dẫn của thị trường ngân hàng là rất lớn.

Hàng chục thương vụ vẫn đang chờ bùng nổ

Năm 2019, thị trường M&A trong lĩnh vực ngân hàng mở đầu và kết thúc bằng thương vụ chào bán cổ phần của hai "ông lớn". Cụ thể, đầu năm 2019, Vietcombank thông báo chào bán bằng thương vụ bán 3% cổ phiếu cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd. Sau đó, cuối năm, BIDV chốt lại thị trường M&A lĩnh vực này bằng thương vụ có giá trị cao kỷ lục trong lĩnh vực ngân hàng: bán 15% cổ phân cho Keb Hana Bank với giá trị 876 triệu USD,

Bước sang năm 2020, thị trường M&A ngân hàng trầm lắng hơn, một phần do ảnh hưởng của Covid-19, song cũng kịp ghi nhận một số thương vụ thành công, tiêu biểu là OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác Aozora (Nhật Bản).

Hay như thương vụ MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 NĐT nước ngoài như: KIM Vietnam Growth Equity, ITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund, Fiera Capital…, với giá bán 27.000 đồng/CP và thu ròng 1.720 tỷ đồng.

Trong khi đó, HDBank - dù đang mắc kẹt với thương vụ M&A với PG Bank - song lại có thương vụ chào bán trái phiếu chuyển đổi đáng chú ý vào cuối tháng 9/2020 với định chế tải chính DEG của Đức. Như vậy, không loại trừ khả năng DEG có thể thành cổ đông chiến lược của HDBank trong tương lai.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo nhiều nhà băng cũng cho biết đang đàm phán hoặc đang trong quá trình tìm kiếm đối tác như trường hợp của Vietcombank, NCB, NamABank, LienVietPostBank, MSB, VPBank, SHB... Trong đó, 3 ngân hàng là MSB, VPBank và SHB đang xúc tiến bán công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc là FCCOM, FE Credit và SHB Finance.

Theo đánh giá của các chuyên gia, về dài hạn, ngoài 3 ngân hàng 0 đồng, còn rất nhiều ngân hàng khác sẽ tham gia thị trường M&A.

Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Phòng Dịch vụ Ngân hàng đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng, nhu cầu NĐT dành cho thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng rất lớn. Trong đó, xu hướng NĐT quan tâm đến tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các ngân hàng có nền tảng công nghệ.

Hiện nay, Việtt Nam trở thành điểm đến khá an toàn, do đó NĐT chiến lược coi M&A là kênh mở rộng ra thị trường. Trong khi đó, NĐT tài chính muốn quan tâm đến mảng ngân hàng để tham gia chuỗi, phát triển thành hệ sinh thái để tăng cơ hội mở rộng thị trường và tìm kiếm lợi nhuận.

Còn rào cản

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia vẫn còn những rào cản khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực này chưa thể khởi sắc.

Dưới góc độ của đơn vị tham gia tư vấn những dự án bất động sản đang là nợ xấu của ngân hàng, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam, Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL) chia sẻ, hiện nay các NĐT nước ngoài rất quan tâm đến các món nợ xấu này. Tuy nhiên, trong các thương vụ gần đây JLL nhận thấy có những rào cản về quy trình khiến bên mua và bên bán chưa “gặp" được nhau, vẫn còn khoảng cách lớn giữa ngân hàng là bên bán và NĐT là bên mua.

Theo bà Khanh, để giúp bên mua và bán hoàn tất được giao dịch thì vai trò của ngân hàng rất quan trọng, ví dụ như: ngân hàng có tham gia vào quy trình xử lý nợ hay không, quy trình của ngân hàng có những điểm thông thoáng nhất định để hoàn tất được giao dịch hay không.

Thực tế, diễn biến các NĐT trong nước mua 1 khoản nợ xấu diễn ra rất nhiều và tỷ lệ thành công cao, nhưng đối với giao dịch giữa NĐT nước ngoài mua được nợ xấu đang là tài sản thế chấp của ngân hàng khó hơn rất nhiều.

“Vì vậy, ngân hàng nên có chính sách, quy trình mang tính hỗ trợ nhiều hơn để phía bán có thể thực hiện được giao dịch hoàn tất, để từ đó trả lại dòng vốn cho ngân hàng”, bà Khanh cho hay.

Nhận định về triển vọng thị trường M&A trong lĩnh vực ngân hàng, ông Vũ Lê Trung, Luật sư thành viên Công ty Luật VINAF cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang có chính sách khuyến khích M&A thay vì thành lập ngân hàng mới, đây là điểm thuận lợi cho hoạt động M&A.

Tuy nhiên, việc M&A giữa các công ty tài chính sẽ thuận lợi hơn do yêu cầu thấp hơn. Trong khi đó, thương vụ M&A giữa công ty tài chính và ngân hàng vẫn còn điểm nghẽn về mặt quy định pháp luật.

Theo đó, để mua ngân hàng VN, bên mua phải là TCTD tại nước sở tại, nhưng khó khăn hiện nay là các ngân hàng đang hoạt động tại VN đều đã "có đôi, có cặp” với các NĐT chiến lược ở nước ngoài. Với những ngân hàng chưa tìm được NĐT chiến lược thì công ty tài chính cũng khó “chen chân” do không phải là TCTD, không đáp ứng được quy định pháp lý, mặc dù họ có thể đáp ứng các tiêu chí khác như: tổng tài sản 10 tỷ USD, có xác nhận hoạt động nước sở tại...

“Chúng tôi đã tiếp nhiều NĐT là các tập đoàn lớn có quan tâm đến các ngân hàng, công ty tài chính đang có nhu cầu bán vốn ở VN. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu họ đều phải từ bỏ mục tiêu vì không đáp ứng được điều kiện”, Luật sư Vũ Lê Trung nói, đồng thời cho rằng trong thời gian tới, nếu có sự tháo gỡ về mặt chính sách thì các hoạt động M&A lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ khởi sắc hơn.