“Phác họa" lợi nhuận ngân hàng năm 2020- 2021

Theo Ngọc Anh/enternews.vn

Dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của ngành ngân hàng rất tích cực, nhưng ngành này vẫn đối mặt một số rủi ro.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong quý III/2020, tín dụng tăng trưởng thêm khoảng 153,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý II/2020. Nhờ vậy, tính đến cuối quý III/2020, tín dụng đã tăng trưởng khoảng 2,9% so với quý II/2020 và tăng khoảng 7,5% so với đầu năm nay.

Trong đó, tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước chỉ tăng khoảng 1,1% so với quý II và tăng 3,4% so với đầu năm nay. Trong khi đó, tín dụng của các NHTM cổ phần tư nhân tăng 5,3% so với quý II và tăng gần 13% so với đầu năm nay.

Đặc biệt, cho vay doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực, trong khi cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi ở BIDV, MB và HDBank. Trong quý III/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều NHTM cổ phần, trong đó mức cao nhất hiện nay là 23% ở Techcombank, TPBank và VIB.

Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, lãi dự thu liên quan đến dư nợ tái cấu trúc được theo dõi ngoại bảng cho đến khi các ngân hàng thu được khoản lãi dự thu này.

Theo SSI, tỷ lệ lãi dư thu/tổng tài sản sinh lãi trong quý II/2020 đối với các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của công ty này giảm mạnh xuống 1,26% - mức thấp nhất trong nhiều quý gần đây. Trong quý II/2020, lãi dự thu trên bảng cân đối kế toán ngân hàng tăng 6,4% so với quý II và chiếm 1,31% tổng tài sản sinh lãi.

“Điều này phù hợp với mức sụt giảm của dư nợ tái cấu trúc. Nếu lãi dự thu tiếp tục tăng, chất lượng tín dụng sẽ trở thành một vấn đề thách thức lớn đối với các ngân hàng”, SSI nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt từ 9-10% so với đầu năm nay và cho rằng NHNN có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quý IV/2020.

Đáng chú ý, các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn, trong khi đó lãi suất huy động đã giảm thêm từ 20-40 điểm phần trăm trong tháng 10/2020. Do đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những quý tới. Tuy nhiên, chi phí dự phòng có thể tăng nhanh trong quý IV/2020 do tác động tiêu cực từ đại dịch đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

SSI tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho nhóm ngân hàng nghiên cứu lên 9,2% và 10,5% lần lượt cho năm 2020 và 2021, tương ứng đạt 110,7 nghìn tỷ đồng (tăng 2,7% so với cùng kỳ) và 129,3 nghìn tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế của các NHTM nhà nước sẽ giảm 6,2% trong năm 2020, và sau đó phục hồi tăng 21,8% trong năm 2021.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của các NHTM cổ phần tư nhân sẽ tăng 9,3% trong năm 2020 và 13,7% trong năm 2021. Do đó, SSI đánh giá khả quan đối với ngành ngân hàng trong năm 2021. Các yếu tố hỗ trợ tích cực liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong quý IV/2020.

Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn, nền kinh tế phục hồi chậm, dịch Covid-19 tái bùng phát… sẽ là yếu tố tác động mạnh đến ước tính lợi nhuận ngân hàng của SSI. Trong khi đó, yếu tố làm tăng ước tính lợi nhuận ngân hàng của SSI là nền kinh tế phục hồi tích cực hơn ước tính.