Phát hiện hàng ngàn giao dịch đáng ngờ

Theo Anh Phương/sggp.org.vn

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ; chuyển giao thông tin liên quan đến 100 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống rửa tiền để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho đợt đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 và Kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Cơ quan này cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thành Báo cáo tuân thủ kỹ thuật (Báo cáo TC); Báo cáo tính hiệu quả đối với 11 Mục tiêu trực tiếp (Báo cáo IO); tổ chức làm việc giữa Đoàn đánh giá tiền trạm của APG với các bộ, ngành liên quan về nội dung Báo cáo TC.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG tại Việt Nam vào tháng 11/2019. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đáng lưu ý, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ; chuyển giao thông tin liên quan đến 100 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được khoảng 200 văn bản đề nghị cung cấp thông tin từ các cơ quan chức năng, trong đó đã xử lý hầu hết các văn bản này.

“Các thông tin do Ngân hàng Nhà nước chuyển giao, cung cấp qua công tác phòng, chống rửa tiền đã hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn trong thời gian qua”, bản Báo cáo của Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.