Phát huy vai trò của công tác phân tích tài chính tại các ngân hàng thương mại


Hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam những năm gần đây có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng gia tăng sức mạnh cạnh tranh nhằm giữ vững thị phần và phát triển. Để đảm bảo phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng phải có giải pháp cũng như dành sự quan tâm thích đáng đối với công tác đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua các công cụ phân tích tài chính. Bài viết đánh giá thực trạng công tác phân tích tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác phân tích này trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nội dung phân tích cơ bản đối với ngân hàng thương mại

Sự hình thành, tồn tại và phát triển của ngân hàng luôn gắn liền với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường và đời sống xã hội. Kinh tế phát triển đời sống người lao động cũng được cải thiện và nâng cao. Nhằm thích ứng, các hoạt động, dịch vụ, sản phẩm của các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày càng hoàn được thiện và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu trong nền kinh tế. Chính vì sự phát triển của các NHTM mà công tác phân tích tài chính ngày càng được quan tâm và chú trọng.

Phân tích tài chính là yêu cầu tất yếu khách quan, ra đời và phát triển từ đòi hỏi của đời sống kinh tế, từ yêu cầu phải quản lý khoa học và có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM. Công cụ phân tích tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với nhà quản trị ngân hàng trong việc nhận diện bộ kết quả hoạt động của NHTM trong kỳ hoạt động một cách khách quan và tương đối trung thực. Trong thực tế, việc phân tích cũng giúp nhà quản trị hiểu rõ nguyên nhân gây ra sự biến động của các chỉ tiêu, các khoản mục trên báo cáo tài chính (BCTC); nhận biết được các nhân tố ảnh hưởng đến các khoản mục đó, để từ đó có các biện pháp đối phó thích hợp, hạn chế nhược điểm và phát huy ưu điểm của NHTM, nâng cao tính cạnh tranh; giúp các nhà quản trị NHTM nhận biết và dự đoán trước những rủi ro cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai.

Mặc dù, có sự khác nhau về đặc điểm và hoạt động với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, thương mại hay lĩnh vực dịch vụ nhưng nội dung phân tích cũng gần như hướng đến các nội dung phân tích của DN, gồm:

Một là, phân tích cấu trúc tài chính ngân hàng: Cấu trúc tài chính tập trung phân tích cấu trúc tài sản, cấu trúc ngồn vốn và cân bằng tài chính giữa tài sản và nguồn vốn. Trong phân tích này, mục tiêu hướng đến là xác định biến động và cơ cấu của từng chỉ tiêu tài chính trong tổng tài sản và nguồn vốn, bên cạnh đó đánh giá tính tự chủ trong kinh doanh, xác định tính ổn định về nguồn tài trợ. Từ đó, đánh giá khái quát cụ thể về tình hình tài chính, quy mô của từng NHTM.

Hai là, phân tích hiệu quả hoạt động: Các hoạt động chủ yếu của NHTM gồm: hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay, đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Do vậy, các nhà quản trị ngân hàng cần phải đo lường hiệu quả cho từng hoạt động. Hiện nay, các nhà quản trị ngân hàng chú trọng đến các chỉ tiêu hiệu quả từng hoạt động sau: Tổng dư nợ trên vốn huy động, hiệu quả sử dụng vốn huy động, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên, tỷ suất lợi nhuận hoạt động tín dụng, lãi suất bình quân đầu vào, lãi suất bình quân đầu ra. Bên cạnh đó, sử dụng các chỉ tiêu về khả năng sinh lời như ROA (khả năng sinh lời từ tài sản), ROE (khả năng sinh lời từ vốn chủ sở hữu), RE (tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản)... Việc đánh giá hiệu quả hoạt động nhằm đánh giá quá trình kinh doanh của DN, lãi lỗ hay hoà vốn và làm cơ sở để đưa ra những chiến lược kinh doanh cho những năm tài chính sau.

Ba là, phân tích rủi ro ngân hàng: Trong hoạt động kinh doanh luôn tồn tại những rủi ro mang tính chất tiềm ẩn. Việc đánh giá hiệu quả kinh doanh luôn gắn liền với đánh giá rủi ro, phân tích các chỉ tiêu nhằm kiểm soát được rủi ro trong hoạt động của NHTM, bao gồm: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro thu nhập, cụ thể như: khả năng chi trả cho khách hàng, khả năng thu hồi nợ trong cho vay và đầu tư chứng khoán, sự thay đổi của lãi suất và tỷ giá hối đoái, sự biến động của thu nhập.

Thực trạng công tác phân tích tài chính tại các ngân hàng thương mại

Hiện nay, các NHTM đang tiến hành các hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn. Đây là những hoạt động mang tính chất tự thân nên kết quả việc kinh doanh luôn là vấn đề mà các nhà quản trị DN quan tâm và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, công cụ phân tích tài chính trong thời kỳ này được quan tâm và phát triển một cách mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2018, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã có nhiều cải thiện như: Vốn huy động ngoại tệ tăng khoảng 17% nhưng tỷ trọng ở mức thấp, chiếm 9,9% tổng vốn huy động. Trong đó, vốn huy động VND tăng khoảng 14,3%, chiếm 90,1% tổng vốn huy động. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống tính đến cuối năm 2018 cũng đạt khoảng 87,5% (năm 2017: 87,8%); Lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 52,3%). Các chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, ROA ước đạt 0,9%, ROE ước đạt 13,6%; Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 cũng đã tăng khoảng 30% so với năm 2017…

Năm 2018, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã có nhiều cải thiện như: Vốn huy động ngoại tệ tăng khoảng 17%. Trong đó, vốn huy động VND tăng khoảng 14,3%, chiếm 90,1% tổng vốn huy động. Tỷ lệ tín dụng/huy động bình quân của hệ thống tính đến cuối năm 2018 cũng đạt khoảng 87,5% (năm 2017: 87,8%); Lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017…

Công tác phân tích tài chính được thực hiện bằng cách đánh giá hoạt động của nhiều NHTM thông qua Niên giám ngân hàng năm 2017 và ấn phẩm Đặc san đăng tải về báo cáo tài chính của các NHTM An Bình, Á Châu... Số liệu công bố tại báo cáo tài chính đã được kiểm toán, phản ánh rất rõ về quá trình phân tích các chỉ tiêu tài chính của các NHTM cũng như đánh giá khách quan về hoạt động của từng ngân hàng, từ đó đưa ra những biện pháp nhằm giúp các NHTM tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Khảo sát cho thấy, Niên giám được thực hiện thông qua việc tính toán, xử lý số liệu về các nội dung như: Vốn chủ sở hữu, tài sản, lợi nhuận sau thuế. Đây là những nội dung mang tính chất quan trọng và được các NHTM tập trung phân tích số liệu hoạt động năm 2016-2017 để có thể đưa ra những nhận định như sau: Về vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu của 25 NHTM là 418.224 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2016, trong đó riêng 10 NHTM cổ phần có số vốn chủ sở hữu lớn nhất chiếm 76,7% tổng vốn chủ sở hữu của 25 ngân hàng.

Về tài sản, năm 2017 tăng 19,88% so với năm 2016, nổi bật là chỉ tiêu cho vay khách hàng tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của chứng khoán đầu tư. Kết quả kinh doanh năm 2017 tăng với tỷ lệ 43,9% tương ứng với 66.930 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trung bình của chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tổng chi phí hoạt động thấp hơn tốc độ tăng của tổng thu nhập. Chỉ số ROE bình quân của 25 ngân hàng trong năm 2017 là 12,66%. Đây là mức lợi nhuận khả quan và có sự cải thiện hơn so với mức 9,98% của năm 2016. Hầu hết ngân hàng nằm trong Top 10 có mức lãi cơ bản/CP cao nhất đều có hệ số ROE cao hơn mức bình quân này. Trong đó, dẫn đầu vẫn là Techcombank với 23,93%, tiếp theo là VPBank với 22,91%; Vietcombank với 17,33%. Chỉ số ROA bình quân của 26 ngân hàng là 0,76%. Điểm đặc biệt về chỉ số này là có một số ngân hàng có quy mô nhỏ lọt vào Top 10 như OCB, LienvietPostbank, TPBank. Trong đó, dẫn đầu vẫn là những cái tên quen thuộc Techcombank với 2,39%, tiếp đến là VPBank 2,32%, MB 1,11%.

Từ thực tế công tác phân tích tài chính tại các NHTM cho thấy, hoạt động này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà quản trị, bởi phân tích tài chính đang được xem là công cụ hữu ích cho việc đánh giá và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Để quá trình phân tích có hiệu quả các NHTM đã sử dụng các BCTC sau khi kiểm toán, làm tăng tính hợp lý và chính xác về số liệu cung cấp cho các đối tượng quan tâm, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở 2 báo cáo là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kinh doanh... thời gian phân tích thường được ấn định vào thời điểm cuối năm tài chính mang lại kết quả tổng quát cho cả quá trình kinh doanh. Những kết quả phân tích thường được trình bày tại các Báo cáo thường niên của các NHTM và công bố trên các phương tiện thông tin rộng rãi nhằm cung cấp thông tin cũng như thu hút được nhiều đối tượng quan tâm, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho hoạt động của NHTM trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, có một hạn chế lớn, đó là hoạt động kinh doanh của NHTM có những đặc thù riêng mà các DN trong các ngành khác không có. Đồng thời, hoạt động kinh doanh của NHTM diễn tiến liên tục trong mỗi loại hình nghiệp vụ và các sản phẩm của NHTM có mối liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc tách riêng từng mặt hoạt động của ngân hàng để phân tích kết quả tài chính.

Giải pháp phát huy vai trò của phân tích tài chính

Từ nhận diện những mặt tích cực, hạn chế của phân tích tài chính, có thể đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phân tích tài chính như sau:

Thứ nhất, về phía các NHTM: Cần quan tâm hơn nữa cho quá trình phân tích tài chính thông qua nội dung, chỉ tiêu phân tích, thời điểm phân tích và nguồn số liệu phân tích. Có thể mở rộng các chỉ tiêu phân tích như: Phân tích rủi ro thông qua các chỉ tiêu về khả năng thanh toán; Phân tích hiệu suất sử dụng như sử dụng tài sản, sử dụng vốn chủ sở hữu… Với những NHTM có quy mô lớn thì cần lập kế hoạch phân tích, tổ chức theo kế hoạch đề ra và đánh giá kết quả, tất cả nên tạo thành quy trình phân tích, phân tích trước, trong và sau khi kinh doanh, hoặc phân tích theo các quý, tháng để số liệu đáp ứng được nhu cầu.

Thứ hai, về phía nhà quản trị: Hiện nay, nhiều NHTM vẫn coi nhẹ công tác phân tích tài chính, nếu có phân tích thì còn sơ sài, kết quả phân tích còn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận thức của nhà quản trị trong các NHTM còn chưa nhận thấy tầm quan trọng của công cụ phân tích tài chính. Do vậy, cần có biện pháp để thay đổi nhận thức từ phía các nhà quản trị để công tác phân tích tài chính được thực hiện quy mô, bài bản và hiệu quả hơn.

Thứ ba, về phía người thực hiện công tác phân tích: Tại nhiều NHTM công tác phân tích thường được một bộ phận nhân viên trong phòng kế toán... thực hiện, do đó để có thể nâng cao chất lượng phân tích tài chính, thời gian tới cần phải đầu tư bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ phân tích cho đội ngũ đảm trách nhiệm vụ phân tích.

Thứ tư, về nguồn số liệu: Nguồn số liệu dùng trong phân tích phải là số liệu đã được kiểm toán hoặc các cơ quan thuế kiểm tra nhằm tăng cường tính chính xác. Thông thường nguồn số liệu chỉ dừng lại ở phạm vi là các BCTC, cụ thể là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh. Các ngân hàng chưa tập trung nhiều vào Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh, cũng như các báo cáo nội bộ trong NHTM. Do đó, việc phân tích chỉ mới đáp ứng được một phần, mới chỉ phục vụ cho đối tượng bên ngoài DN, chưa đáp ứng yêu cầu của đối tượng bên trong. Chính vì vậy, thời gian tới, các NHTM cần đa dạng nguồn số liệu để quá trình phân tích được chi tiết, cụ thể và đảm bảo đưa ra được những kết quả chính xác.

Thứ năm, về nội dung phân tích. Thực tế cho thấy, hầu hết các NHTM chú trọng phân tích một số nội dung cơ bản như: vốn, nợ phải trả, ROA, ROE.. bằng phương pháp đơn giản, đó là phương pháp so sánh số tuyệt đối và số tương đối, chưa tích cực đi sâu vào phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp như phân tích ROA, ROE… Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình phân tích, các NHTM cần sử dụng thêm các nội dung phân tích như phân tích hiệu suất, phân tích RE… và sử dụng đa dạng các phương pháp như phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp liên hệ cân đối vào trong quá trình phân tích.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Văn Dược (2008), Phân tích hoạt động kinh doanh, NXB Thống kê;

2. Nguyễn Năng Phúc (2010), Giáo trình phân tích tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;

3. Nguyễn Phú Danh (2014), Kế toán ngân hàng, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;

4. http://www.ssc.gov.vn/ubck/faces/vi/vimenu/vipages_vithongtinthitruong/thongkettck/quymothitruong?_adf.ctrlstate=12fnyp2skn_4&_afrLoop=24442756617000;

5. https://static.tinnhanhchungkhoan.vn/Uploaded/BCPT/2018_05_29/bao-cao-phan-tich-cua-cac-ngan-hang_RMZL.pdf.