Phát triển hệ thống tài chính vi mô an toàn, bền vững

PV.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, tài chính vi mô đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng trong hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo.

Tài chính vi mô đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo.
Tài chính vi mô đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo.

Đó là đánh giá của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển Tài chính toàn diện” được tổ chức ngày 12/12/2018.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, hoạt động tài chính vi mô không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống nhanh chóng trong những năm qua. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng lên, cùng với đó là những cải thiện sức khỏe, giáo dục…

Trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, tài chính vi mô đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo. Đối tượng khách hàng của tài chính vi mô chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân, người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác.

Do vậy, thúc đẩy sự phát triển của tài chính vi mô có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Sự phát triển của tài chính vi mô cũng hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, qua đó đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình chung về phát triển tài chính toàn diện của quốc gia. Tài chính vi mô và tài chính toàn diện đều đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực, tiếp cận tài chính và phát triển các chính sách bảo vệ khách hàng, qua đó cải thiện điều kiện sống và loại bỏ những hạn chế mà hộ gia đình nghèo, yếu thế đang phải đối mặt.

Tại tòa đàm, đại diện các tổ chức tài chính vi mô gồm tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang; Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt Nam đã chia sẻ về thực tiễn hoạt động của mình thời gian qua, các nỗ lực đóng góp của các tổ chức này trong hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghèo, các đối tượng yếu thế thông qua các khoản cho vay, các hoạt động giáo dục tài chính… và các khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức này đang gặp phải trong hoạt động thực tiễn. Đại diện các tổ chức tài chính vi mô cũng đưa ra các đề xuất, trong việc hoàn thiện hành lang pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động tài chính vi mô trong thời gian tới.

Để xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô an toàn, bền vững, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, trong năm 2019, tài chính vi mô được coi là một trong những trọng tâm trong hoạt động tăng cường quản lý với vai trò quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước và tăng cường quản lý với vai trò quản lý Nhà nước của các chính quyền địa phương cũng như của các Bộ, ngành khác...