Phát triển ngân hàng số trong Cách mạng công nghiệp 4.0


Xu thế công nghệ số nói chung và thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 nói riêng đã và đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực ngân hàng, phần lớn các ngân hàng nội địa Việt Nam đều có chiến lược số hóa và định hướng phát triển ngân hàng số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời gian qua, nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng số, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung hoàn thiện, ban hành cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với xu hướng số hóa dịch vụ và ứng dựng mạnh mẽ công nghệ số, hợp tác mở như mô hình ngân hàng đại lý, nhận biết ngân hàng điện tử; tiền điện tử, xây dựng và triển khai tiêu chuẩn thống nhất về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa... đảm bảo tính tương thích, liên thông.

Thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, hiện có đến 94%  ngân hàng tại Việt Nam đã  triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Đa số các ngân hàng đều coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng sống còn trong hoạt động. 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các tiện ích của công nghệ 4.0 và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và thiết bị di động. Nhiều ngân hàng đã thành lập khối/trung tâm ngân hàng số và từng bước chuyển đổi mô hình hoạt đông, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa đích thực.

Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua như: TPBank ra mắt ứng dụng LiveBank; VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo; OCB ra mắt ngân hàng số OCB OMNI; Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, Việt Nam hiện chưa có ngân hàng số thuần túy, hoạt động phát triển ngân hàng số vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; Quy định xác định danh tính khách hàng tại quầy khiến tăng rào cản tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số; Hành lang pháp lý đối với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính còn yếu kém; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ tài chính tạo áp lực tới ngân hàng số. Trong khi đó, các định chế tài chính và các dịch vụ tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống thì các quy định an toàn và pháp luật đối với các công ty công nghệ tài chính ở Việt Nam còn chưa đầy đủ. Việc ban hành các quy định luật pháp đối vớicông ty tài chính nếu không được xem xét kịp thời và phù hợp, có thể tạo ra một sân chơi không công bằng giữa FinTech và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống, mà chủ yếu là các NHTM...

Trong thời gian tới, để ngân hàng số trở thành nhu cầu tất yếu và nội tại của các NHTM, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0 hỗ trợ chuyển đổi số thông qua việc tạo thuận lợi thúc đẩy mô hình kinh doanh, quản trị điều hành theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy phát triển ngân hàng số, các nhà quản lý ngân hàng cần thay đổi tư duy, lấy khách hàng là trung tâm, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cùng với việc thay đổi văn hóa kinh doanh, phương thức quản trị, đầu tư công nghệ, tích hợp kênh phân phối, tập trung nguồn lực để triển khai mạnh mẽ theo tốc độ thay đổi công nghệ và nhu cầu của khách hàng.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức, chú trọng việc giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao nhận thức của người dùng khi sử dụng các dịch vụ tài chính số; Hướng dẫn và có các hình thức cung cấp thông tin cho khách hàng để nâng cao nhận thức của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, từ đó, giúp thúc đẩy tạo lập môi trường ý thức về an toàn thông tin và nâng cao lòng tin của người sử dụng dịch vụ vào các hệ thống dịch vụ tài chính trực tuyến.