Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 3/2020

Tại Việt Nam các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành nhu cầu cấp thiết về xây dựng hệ sinh thái không dùng tiền mặt (hay hệ sinh thái thanh toán điện tử). Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: Phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết khái quát một số kết quả đã đạt được và hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian qua, trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Với người tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đem lại tiện ích và bảo mật cao hơn do không phải phiền phức với việc nắm giữ, xử lý tiền mặt, dễ dàng tiếp cận tới nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng và có được sự bảo vệ bí mật thông tin tài chính cá nhân tốt hơn từ các mạng chuyển mạch giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ.

Với các nhà cung cấp, TTKDTM mang đến cho họ sự tiện lợi, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, do không còn phải chịu chi phí xử lý lượng tiền mặt nắm giữ, thanh toán an toàn, bảo đảm hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Với Chính phủ, TTKDTM hỗ trợ tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.

Với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch giao dịch thanh toán cũng hưởng lợi từ xu hướng tích cực này nhờ nâng cao hiệu quả xử lý và tăng doanh thu qua cung ứng một loạt sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng cộng thêm tới cơ sở khách hàng rộng lớn hơn.

Thực trạng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có 9 hệ thống TTKDTM chính gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS); hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại (NHTM); các hệ thống thanh toán song phương; hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB – Money; hệ thống thanh toán chứng khoán do BIDV quản lý, vận hành; hệ thống thanh toán thẻ; hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động và hệ thống SWIFT. Hệ thống IBPS là trục thanh toán quốc gia, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chu chuyển vốn của nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho việc phát triển và đẩy mạnh TTKDTM. Các hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống thanh toán song phương, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động được các NHTM tiếp tục được quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cung ứng các dịch vụ phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng trên toàn quốc. Đối với hệ thống SWIFT Việt Nam (ra đời từ năm 1996), đến nay, hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SWIFT để chuyển ngoại tệ và các giao dịch thanh toán quốc tế.

Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy phát triển TTKDTM và đạt được một số kết quả khả quan:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển TTKDTM: Tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TTKDTM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Bên cạnh đó, Chính phủ và NHNN đã ban hành kế hoạch xác định cụ thể các nhiệm vụ, lộ trình và trách nhiệm của các đơn vị liên quan nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông và tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Thứ hai, về phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán: Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).

Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ với khả năng thanh toán theo thời gian thực, hoạt động 24x7x365, xử lý giao dịch đa kênh, đa phương tiện đang được thử nghiệm để đưa vào vận hành chính thức phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích.

Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Tính đến cuối năm 2019, trên toàn quốc có khoảng 18.900 ATM và 282.900 máy POS, tăng tương ứng 17,3%; 44,5% so với cùng kỳ năm 2018).

Thứ ba, phát triển các phương thức thanh toán điện tử: Các phương thức TTKDTM không ngừng tăng mạnh. Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên, cụ thể đến cuối tháng 10/2019, số thẻ đang lưu hành đạt 98,2 triệu thẻ, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Trong năm 2019, giá trị giao dịch bình quân qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đạt gần 375 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 17 tỷ USD/ngày); giá trị giao dịch qua POS đạt 491 nghìn tỷ đồng; qua điện thoại di động đạt 4,264 nghìn tỷ đồng; qua Internet đạt 17.729 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 66,3%; 221,2% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2018).

Thứ tư, về giám sát các hệ thống thanh toán: Hiện tại, NHNN đang thực hiện giám sát bằng phương thức trực tuyến và qua báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất của các tổ chức vận hành hệ thống nhằm nắm bắt thông tin kịp thời và có biện pháp phối hợp với các bên liên quan để xử lý các vụ việc mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ. NHNN cũng thực hiện giám sát đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép theo quy định của pháp luật.

Một số tồn tại, hạn chế

Trong phát triển TTKDTM, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế gồm:

Thứ nhất, TTKDTM ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, tỷ lệ giao dịch sử dụng tiền mặt còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, vào tiềm thức của người dân, cùng với đó là tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nên việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTLDTM còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, do vậy, vừa lãng phí lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Thứ ba, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện, mặc dù thời gian vừa qua đã được cải thiện nhiều, song chưa được đánh giá đầy đủ và đồng bộ. Các chính sách Nhà nước về TTKDTM chưa có đột phá đáng kể, chưa Luật hóa các hoạt động TTKDTM. Các quy định còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể ( như tiền ảo, tiền điện tử…) để tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả, khách quan.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển TTKDTM tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM như: nghiên cứu, xây dựng Luật TTKDTM thay thế Nghị định về TTKDTM, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về thanh toán bằng tiền mặt; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực thương mại, tín dụng, tài chính ngân hàng.

Hai là, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng); chỉ đạo triển khai và sớm đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ, qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, liên tục, đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh chóng, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng của hoạt động thanh toán điện tử, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại nhằm tăng mức độ tiện lợi, giảm chi phí sử dụng và rủi ro, đảm bảo an toàn về tài sản và thông tin của người sử dụng.

Ba là, triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.

Bốn là, giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định.

2020 là năm cuối cùng triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%). Với tiềm năng rộng về phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử, cùng nhu cầu về thanh toán không dùng tiền mạnh lớn trong nền kinh tế, Việt Nam cần có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTKDTM đến sự nhập cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính cũng như người dân để xây dựng một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt.    

Tài liệu tham khảo:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện đề án Thanh toán không dùng tiền mặt; ;

Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Quản lý nhà nước đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán nội địa của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, 2019;

Quyết định số 22/QĐ-NH1 ngày 21/2/1994 của  Quốc hội ban hành “Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt”;

Nghị định số 10/VBHN-NHNN ngày 22/02/ 2019 của NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt.

2015), Giáo trình phân tích tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội;

Phan Diên Vỹ (2014), Định giá tài sản trong hoạt động ngân hàng
- Thực trạng và giải pháp;

Võ Trí Thành và Lê Xuân Sang (2012), Tái cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam: Vấn đề và định hướng những giải pháp cơ bản, Hà Nội;

Trần Văn Dũng (2005), Hoàn thiện công tác định giá doanh nghiệp tại Việt Nam;

Triệu Minh Hạnh (2009), Định giá doanh nghiệp nhà nước và thực trạng áp dụng tại Việt Nam.