Phòng, chống tín dụng đen dịp cuối năm

Theo Nghi Lộc/thoibaonganhang.vn

Càng vào dịp cuối năm như hiện nay, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi càng trở nên sôi động. Dự báo, hoạt động tín dụng đen có thể sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, và UBND TP. Đà Nẵng đã lên kế hoạch truy quét.

Hoạt động tín dụng đen thường diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm
Hoạt động tín dụng đen thường diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm

Khủng bố tinh thần người vay

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thời điểm này, nhu cầu vay tiền của người dân tăng cao. Nắm bắt được điều này, các đối tượng cho vay theo kiểu tín dụng đen đã tăng cường hoạt động. Bởi vậy, tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, các cơ quan chức năng đang rất nỗ lực trong công tác phòng chống, đấu tranh với vấn nạn này.

Trong thời gian qua, lực lượng công an TP. Đà Nẵng đã xác minh, làm rõ nhiều đối tượng liên quan đến những đường dây cho vay lãi nặng và khủng bố “con nợ” theo kiểu “xã hội đen”. Các thủ đoạn chúng thường dùng là cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, tạt sơn, hăm dọa hoặc bêu riếu trên mạng những người vay tiền.

Trong số đó, có thể kể đến việc công an quận Thanh Khê đã làm rõ vụ khủng bố, tạt sơn và dầu nhớt vào tiệm internet để đòi nợ. Theo đó, tiệm kinh doanh internet, game online của ông Phan Văn Một, tại số 121A Huỳnh Ngọc Huệ, đã bất ngờ bị tấn công. Cụ thể, khi khách đang chơi game trong tiệm, thì bất ngờ xuất hiện hai nam thanh niên xông vào tạt sơn và dầu bẩn vào tiệm, tạt cả vào giàn máy vi tính lẫn khách hàng. Gây án xong, các đối tượng nhanh chóng lên xe, phóng đi trước sự bàng hoàng của gia đình cũng như bức xúc của khách hàng.

Ngay sau đó, tại cơ quan công an, ông Phan Văn Một cho biết, trước đó ông có mượn tiền của Phan Ngọc Đức, trú cùng quận Thanh Khê. Song, do chậm trả nợ ông đã bị các đối tượng khủng bố như đã nói ở trên.

Cũng trên địa bàn quận Thanh Khê, cơ quan công an còn nhận được đơn trình báo của chị N.T.T quê Đắk Lắk, tạm trú tại phường Vĩnh Trung, về việc nhiều đối tượng đã liên tiếp gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần, do liên quan đến tín dụng đen. Các đối tượng còn gọi điện thoại đến công ty chị T. đang làm việc, gây áp lực lên lãnh đạo khiến chị T. có nguy cơ mất việc.

Thậm chí, còn ghép ảnh chị T. cùng bố đặt trên bàn thờ và đưa lên facebook để khủng bố tinh thần. Nguyên nhân là trước đó, bố của chị T. là ông N.V.Đ có vay số tiền 30 triệu đồng của một số đối tượng. Sau đó, ông Đ. chậm trả nợ theo hợp đồng. Hệ lụy, chị T. trở thành đối tượng bị quấy rối. Mặc dù, nạn nhân đã giải thích không liên quan đến khoản nợ.

Tại TP. Đà Nẵng, có đối tượng còn thành lập một trang web “cho vay nóng, lãi suất ưu đãi”, để chiêu dụ các nạn nhân đang cần vốn làm ăn, kinh doanh, đặc biệt vào dịp cuối năm. Trên trang web này, các đối tượng đã công khai số điện thoại của mình để nhiều nạn nhân dễ bề liên hệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng trong đường dây tín dụng đen này đã cho hàng chục lượt người trên địa bàn thành phố vay tiền, với tổng số tiền vay lên đến hàng tỷ đồng.

Tăng cường công tác phòng chống

Để đấu tranh với tín dụng đen, trước đó công an TP. Đà Nẵng cũng đã lập hồ sơ theo dõi hơn hàng trăm đối tượng chuyên cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Theo thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, trên địa bàn đã xuất hiện một số người đi phát tờ rơi, dán quảng cáo về việc cho vay tiền với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Công an Đà Nẵng phát hiện hơn 300 cá nhân và 19 đơn vị núp bóng doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen”. Thông qua các băng nhóm này, người dân rất dễ vay được tiền vì thủ tục đơn giản, không cần dùng tài sản thế chấp.

Theo ông Phan Trường Sơn - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân  TP. Đà Nẵng, hầu hết các đối tượng cho vay theo kiểu tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố đều là người ở địa phương khác. Cụ thể, trong năm 2019 cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ/12 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trong khi, những năm trước đây loại tội phạm này không xảy ra. Cả 12 bị can bị khởi tố đều là người ngoại tỉnh, trong đó chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương...

Càng vào dịp cuối năm như hiện nay, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi càng trở nên sôi động. Dự báo, hoạt động tín dụng đen có thể sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, và UBND TP. Đà Nẵng đã lên kế hoạch truy quét. Cụ thể, mới đây ông Huỳnh Đức Thơ -  Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký kế hoạch số 7986/KH-UBND về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Theo đó, UBND thành phố giao lực lượng công an nắm chắc tình hình, hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng, đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu thành lập Tổ công tác liên ngành, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng.

Mặt khác, vận động người vay hợp tác với cơ quan điều ra để thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật hoặc các hành vi vi phạm khác của đối tượng cho vay. Từ đó, có biện pháp xử lý, đề nghị truy tố đối tượng để răn đe, giáo dục chung; Nghiêm cấm cán bộ công chức tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ… vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Góp phần chung tay phòng, chống tín dụng đen, đại diện NHNN Đà Nẵng cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương, quy định của ngành về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời, cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.

Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng cụ thể... phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân qua đó góp phần ngăn chặn tín dụng đen.