Quyết liệt giảm "đô la hóa"

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Mặc dù chưa có số liệu chính thức từ phía cơ quan quản lý, song không khó để khẳng định mức độ đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm.

 tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ còn cấp cho những mặt hàng thiết yếu quốc gia để thanh toán ra nước ngoài như xăng, dầu…Nguồn: Internet.
tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ còn cấp cho những mặt hàng thiết yếu quốc gia để thanh toán ra nước ngoài như xăng, dầu…Nguồn: Internet.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 31/9/2019, các tổ chức tín dụng sẽ không được cho vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, kể cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

“Nước cờ” cuối

Sau động thái siết cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước hồi đầu tháng 4 năm nay, động thái này của cơ quan quản lý được các chuyên gia đánh giá là “nước cờ” cuối cùng trong hành trình chấm dứt cho vay để chuyển sang mua bán ngoại tệ nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Theo đó, tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ còn cấp cho những mặt hàng thiết yếu quốc gia để thanh toán ra nước ngoài như xăng, dầu… Còn các doanh nghiệp (DN) khi có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ hoàn toàn có thể vay bằng tiền đồng (VND) và sau đó mua ngoại tệ để thanh toán.

Giới chuyên gia đánh giá bất chấp những biến động của thị trường tài chính tiền tệ gần đây, VND là một trong hai đồng tiền của khu vực (cùng với đồng Bath của Thái Lan) không mất giá so với USD trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung ngày càng leo thang và đồng NDT mất giá liên tục. Tỷ giá VND tính đến hết tháng 8/2019 hầu như không đổi so với USD, trong khi NDT đã gần đến ngưỡng 7,2.

Việc tỷ giá VND/ USD vẫn được duy trì ổn định cũng làm giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ của người dân, DN.

Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, cơ sở để VND duy trì được sự ổn định chính là năng lực sản xuất trong nước gia tăng và nguồn ngoại tệ chủ yếu được sử dụng để nhập hàng hoá trung gian, sản xuất hàng xuất khẩu nên cung – cầu ngoại tệ phục vụ sản xuất khá cân bằng. Cùng với đó, dự trữ ngoại hối dồi dào trong khi chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức cao (1,8%) là yếu tố tiếp tục hỗ trợ VND tiếp tục giữ giá trong thời gian tới.

Kể cả khi NHNN giảm giảm lãi suất điều hành 0,25% bắt đầu từ ngày 16/9, thông thường sẽ làm VND giảm giá nhưng trên thực tế, giá trị VND vẫn đứng vững, bằng chứng là lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại không giảm.

NHNN đang rất quyết liệt giải quyết tình trạng đô la hóa bằng việc chuyển từ vay mượn sang mua, bán ngoại tệ
NHNN đang rất quyết liệt giải quyết tình trạng đô la hóa bằng việc chuyển từ vay mượn sang mua, bán ngoại tệ
 

DN và ngân hàng ít bị tác động

Ở góc độ điều hành chính sách, khi nền kinh tế càng hội nhập với thế giới, công tác chống đô la hóa càng cần đẩy mạnh để hạn chế tối thiểu tác động lan tỏa từ biến động bên ngoài nền kinh tế.

Chính sách chống đô la hóa của NHNN đang dần thuyết phục được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước rằng đó là giải pháp đúng đắn, phù hợp với hiện trạng nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện một DN trong lĩnh vực sản xuất da giày ở Vĩnh Phúc cho biết công ty trước đây thường vay vốn bằng ngoại tệ để nhập nguyên liệu và dùng ngoại tệ thu về từ các đơn hàng xuất khẩu để trả nợ vay cho ngân hàng. Việc vay ngoại tệ có lợi hơn vay bằng VND, nhất là trong những giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trước đây.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, khi chính sách kiểm soát linh hoạt tỷ giá của NHNN đã tác động tích cực lên ổn định tỷ giá, DN này bắt đầu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ phục vụ cho việc nhập nguyên liệu. Mặt khác, do chính sách siết tín dụng ngoại tệ của NHNN nên DN không còn vay được nhiều vốn bằng USD, buộc phải mua ngoại tệ từ ngân hàng.

Một công ty xuất khẩu bánh kẹo cũng chia sẻ không thấy lo lắng khi NHNN chuyển từ cho vay sang mua bán ngoại tệ, vì đã chuẩn bị từ trước.

Theo DN này, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ bằng 1/2 so với lãi suất cho vay VND, nên nếu DN được vay trực tiếp USD sẽ giảm chi phí. Tuy nhiên, các ngân hàng gần đây liên tục tung ra những gói tín dụng ưu đãi, nên chênh lệch lãi suất giữa USD và VND không còn quá lớn, những DN có kết quả kinh doanh tốt sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn này.

“Mặc dù chi phí tài chính có tăng nhưng DN vẫn cân đối được trong hoạt động thương mại của mình”, đại diện công ty cho biết.

Theo thông tin hoạt động ngân hàng vừa được NHNN công bố, mặt bằng lãi suất cho vay VND hiện phổ biến ở mức 6,0-9,0%/ năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/ năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/ năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.

Một số ngân hàng thương mại cũng cho biết đã có sự chuẩn bị từ lâu cho cả nội bộ và khách hàng của mình, nên ảnh hưởng bởi quy định trên là gần như không có.