Siết tín dụng- phình trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), song TPDN vẫn đang là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung- dài hạn bị siết chặt.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2018.
Bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp
Ngoài giá trị số lượng phát hành và dư nợ trái phiếu ghi nhận tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của một số ngân hàng, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và xây dựng, thì thị trường trái phiếu cũng xuất hiện các đợt phát hành thành công giá trị lớn của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác.
Điều này được cho là các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm nguồn vốn trung và dài hạn, ổn định hơn trong bối cảnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị siết lại, nhiều ngân hàng thương mại phải giảm cho vay với “quota” tín dụng thấp nhằm đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) theo quy định của NHNN.
Ngoài ra, so với những năm trước đây, khi chính sách tín dụng thắt chặt, nếu thị trường chứng khoán còn tăng trưởng và các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin lớn vào cổ phiếu, các doanh nghiệp vẫn có điều kiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động hoặc chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên từ năm 2019, thị trường chứng khoán đã bắt đầu ảm đạm, nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn huy động vốn qua kênh này.
Trước thực trạng trên, hàng loạt doanh nghiệp cả địa ốc lẫn sản xuất, kinh doanh đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để bổ sung vốn lưu động, tái cấu trúc tài chính…
Cảnh báo rủi ro là cần thiết
Trở lại với riêng trái phiếu lĩnh vực địa ốc, đại diện của một quỹ đầu tư đánh giá, trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp BĐS, xây dựng, Vingroup, Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, Văn Phú, CII… đã phát hành trái phiếu qua các đợt khác nhau. Có trái phiếu chuyển đổi, có hoặc không có tài sản đảm bảo (TSĐB), trái phiếu kèm quyền mua… với mức lợi tức cạnh tranh so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
“Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc trái phiếu có TSĐB hoặc không chỉ là một trong những yếu tố để đánh giá sức hút của sản phẩm đầu tư. Đặc biệt riêng với trái phiếu địa ốc, không “đính kèm” TSĐB thì bản chất trái phiếu phát hành huy động vốn dự án vẫn dựa trên tài sản bất động sản của doanh nghiệp. Nhà đầu tư trên thực tế quan tâm nhiều hơn đến trái phiếu với lợi tức cao, quyền mua hấp dẫn, khả năng thanh khoản tốt và mặt khác còn có thể sử dụng trái phiếu như một loại TSĐB nếu có mục đích khác hoặc để đa dạng danh mục”, ông này nói.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), với sự tham gia của các định chế trung gian tổ chức bảo lãnh phát hành và phân phối TPDN, quá trình đầu tư trái phiếu đã được chuyển nhượng dễ dàng, thuận tiện hơn. Trong trường hợp không chuyển nhượng tự do, khách hàng có thể nhượng lại cho ngân hàng mà không quá lo thua lỗ hay bị chôn vốn như trước đây.
Dù vậy, trước sự bùng nổ của thị trường trái phiếu, đặc biệt với loại hình phát hình riêng lẻ, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn – Chuyên gia Tài Chính đánh giá, việc Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD rà soát các quy định, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua TPDN, nghiêm cấm các ngân hàng không được mua TPDN có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực BĐS… là cần thiết.
“Đối với những doanh nghiệp địa ốc có trái phiếu phát hành với lãi suất cao đột biến so với thị trường, cũng cần xem đây như một dấu hiệu bất thường và các ngân hàng phải đánh giá chính xác khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp – tránh hệ lụy doanh nghiệp mất khả năng trả nợ dẫn nợ xấu ngân hàng phình to”, ông Hoàn nhấn mạnh.