Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 6/2020

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người dân, tác động lớn đến thương mại, dịch vụ, hoạt động ngân hàng trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Với những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cũng bị tác động mạnh, do đó cần có kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó hiệu quả với những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Đại dịch Covid-19 và những tác động đến hoạt động của hệ thống ngân hàng

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 chính thức được ghi nhận từ đầu tháng 2/2020. Song, tác động lớn nhất của dịch bệnh này đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng bắt đầu từ giữa tháng 2/2020, đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 3 tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020 (đây là khoảng thời gian cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách lý xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ).

Đến trung tuần tháng 6/2020, thông qua quan hệ tín dụng giữa DN với các NHTM cho thấy, dịch Covid-19 vẫn đang tác động lớn, vốn cho vay tăng trưởng thấp.

Tác động đến hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tính đến 29/5/2020, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019 (Đây là mức thấp nhất trong khoảng 15 năm gần đây). Nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn của các DN và người dân, hộ gia đình quá thấp (mặc dù các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất, đồng thời tung ra các gói tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh khâu kết nối ngân hàng – DN).

Mức tăng này đã cải thiện so với nửa đầu tháng 5/2020, nhưng thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Dự báo, trong các tháng 6,7 và 8/2020, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức thấp, tối đa chỉ đạt 0,7% - 1%/tháng. Thực tế này phản ánh hoạt động kinh doanh của DN, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không có nhu cầu vay vốn. Vốn tín dụng của các NHTM cho vay ra chưa được như kỳ vọng.

Tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù, Chính phủ Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá kiểm soát dịch bệnh rất tốt, song các DN và hộ gia đình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là tình hình chung và các NHTM không thể hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng (vì khi tiêu chuẩn bị hạ thấp sẽ gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, rủi ro cho nền kinh tế, nợ xấu gia tăng).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng và nhu cầu về vốn tín dụng của nền kinh tế còn yếu thì những con số tăng trưởng dư nợ cho vay trong các tháng đầu năm là chấp nhận được. Nhiều DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn nhưng khi giải ngân vốn tín dụng, các NHTM cần kiểm soát để tránh tiềm ẩn rủi ro lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bền vững, ổn định xã hội trong tương lai.

Hiện nay, thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, các NHTM luôn sẵn sàng nguồn vốn cho khách hàng vay, một số NHTM còn phải mua tín phiếu của NHNN, lãi suất liên ngân hàng xuống thấp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay đang thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những DN có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay. Ước tính, các phần hỗ trợ bao gồm cả hoãn nợ, giảm lãi suất, chi phí mà hệ thống Ngân hàng sẽ phải chia sẻ là khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng nguồn thu nhập, mức giảm lợi nhuận khoảng 25%.

Về phía các DN, điều quan trọng là DN cần có thiện chí hợp tác với các NHTM, xây dựng phương án vay vốn chặt chẽ, chứng minh dòng tiền dự án rõ ràng, khả năng trả nợ có tính khả thi… Trong thực tiễn, quan hệ tín dụng giữa NHTM và DN thường phát sinh một số vướng mắc, đó là vấn đề tất yếu trong quá trình chuyển động của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn bị tác động lớn của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, về cơ bản quan hệ tín dụng giữa các NHTM và DN vẫn ở trạng thái ổn định. Từ tháng 6/2020, nhu cầu tín dụng thị trường có thể tăng lên. Đến hết quý II/2020, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế có thể tăng khoảng 3 – 3,5% và cả năm 2020 có thể tăng 9-10%. Đây là mức tăng tương đối phù hợp trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu hiện nay.

NHNN có thể xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 với một số NHTM. Những NHTM có nhu cầu cho vay thực sự và đảm bảo được dòng vốn giải ngân hiệu quả sẽ được điều chỉnh như số NHTM  quy mô nhỏ hoặc các bên cam kết cho vay vào dự án từ năm trước cần tiếp tục giải ngân trong năm nay. NHNN cũng có thể sẽ cho điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nếu như NHTM đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro hiệu quả.

Tác động đến lợi nhuận sau thuế

Phân tích dữ liệu tài chính trong Báo cáo tài chính quý I/2020 của 18 NHTM đang niêm yết đã công bố công khai cho thấy, lợi nhuận sau thuế giảm 11,5% so với quý IV/2019. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2018 nhưng không trên nền tăng trưởng cao của các quý trước như quý II/2018 và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ trong khi quý II/2018 tăng trưởng 49,6% so với cùng kỳ. Số liệu về lợi nhận sau thuế của các NHTM  công bố nói trên thực tế vẫn chưa phản ánh đầy đủ chi phí dự phòng có thể gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở mức độ lớn.

Tác động đến lãi cận biên các ngân hàng thương mại

Lãi cận biên (NIM), là khoảng cách chênh lệnh chi phí đầu vào nguồn vốn và lãi suất cho vay của các NHTM. Đây là chỉ tiêu tài chính quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động tín dụng của các NHTM. Phân tích từ Báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, NIM của 18 NHTM  đang niêm yết giảm 1,1 điểm cơ bản so với quý IV/2019 xuống còn 0,87%.

Tác động đến thu nhập lãi thuần

Trong quý I/2020, thu nhập lãi thuần chiếm 78% tổng thu nhập hoạt động của 18 NHTM đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại chiếm lần lượt 9,8% và 12,2%, giảm đáng kể so với mức 11,8% và 15,2% trong quý IV/2019.

Tác động đến cơ cấu thu nhập các ngân hàng thương mại

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 25/5/2020, các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng. Đồng thời, các TCTD cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng, với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng thực hiện cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến 25/5/2020 đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Thu nhập lãi thuần của 18 NHTM niêm yết vẫn chiếm tỷ trọng lớn, gần 80% trong cơ cấu thu nhập nhưng có xu hướng giảm nhẹ so với quý I/2019, dự báo đến hết quý II/2020 sẽ tiếp tục giảm do giảm lãi vay, miễn giảm lãi cho khách hàng.

Tác động đến nợ xấu các ngân hàng thương mại

Trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 18 NHTM niêm yết tăng từ 1,44% cuối quý IV/2019 lên 1,65%. Có 6/18 ngân hàng niêm yết công bố thuyết minh trái phiếu VAMC với tổng dư nợ là hơn 4,85 nghìn tỷ đồng, giảm từ mức 6 nghìn tỷ đồng cuối năm 2019. Cũng trong quý I/2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 18 NHTM đang niêm yết là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước và tương đương mức quý I/2018.

Tỷ lệ tạo mới nợ xấu tính bằng thay đổi tổng nợ nhóm 3– 5 trong quý chia cho dư nợ trung bình quý. Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ 23/1-28/3/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong quý I/2020 sẽ ở mức cao hơn. Điều này sẽ tương tự trong các quý sau, khi đến 20/5/2020 con số dư nợ được cơ cấu lại đã là gần 151 nghìn tỷ đồng.

Kết luận và khuyến nghị

Như vậy, có thể khẳng định, sức hấp thu vốn tín dụng của nền kinh tế Việt Nam là khá tốt. Vốn tín dụng ngân hàng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP hàng năm. Tăng trưởng tín dụng đầu năm 2020 ở mức thấp do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong điều hành chính sách tiền tệ của năm 2020, NHNN tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng của các TCTD đến các lĩnh vực ưu tiêu của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ, như: Nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, DN nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

NHNN đã 2 lần quyết định giảm các mức lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 5/2020. Đồng thời, NHNN tăng cường mở các hội nghị, tổ chức các diễn đàn kết nối ngân hàng – DN để góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng. Để góp phần mở rộng tín dụng an toàn cho nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, bài viết xin nêu một số khuyến nghị:

Tăng trưởng tín dụng đầu năm 2020 ở mức thấp do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong điều hành chính sách tiền tệ của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiêu của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ, như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp...

Một là, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 về thuế, gói an sinh xã hội, thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… Quốc hội, Chính phủ xử lý nhanh các khâu để cấp bổ sung vốn điều lệ kịp thời cho BIDV, Vietinbank và Agribank, tạo điều kiện cho các NHTM này không bị vướng giới hạn an toàn Basel II để mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế, tăng quy mô lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và tiến độ cổ phần hóa Agribank.

Hai là, NHNN tiếp tục chủ động và linh hoạt trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng đối với một số NHTM đảm bảo cho vay an toàn, nghiên cứu sẽ tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào thời điểm phù hợp đối với các NHTM đã đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II, có tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. NHNN tiếp tục có biện pháp điều hành giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế thông qua các công cụ chính sách của mình, như: Dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn, lãi suất OMO... NHNN tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến an toàn, đến chất lượng tín dụng; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay.

Ba là, các NHTM kiên quyết không được hạ chuẩn tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay vì nôn nóng mở rộng tín dụng và chạy theo mục tiêu thu lãi thuần trong ngắn hạn, sẽ tiềm ẩn nợ xấu về sau, phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn, lợi nhuận giảm. Đa dạng các hoạt động dịch vụ tiện ích, tăng tỷ trong thu phí trong tổng thu nhập của các NHTM, đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro và ổn định thu nhập, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào thu lãi thuần từ hoạt đông tín dụng. Các NHTM cần tiếp tục tiết giảm chi phí, đặc biệt là các chi phí trụ sở, hành chính, phương tiện, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý và chủ động xử lý tài sản đảm bảo tiền vay đã thu hồi.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 11/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19;

2. Báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019 và quý I/2020 của 18 NHTM đang niêm yết;

3. Tác động và giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của ngân hàng thương mại Việt Nam, http://thitruongtaichinhtiente.vn/tac-dong-va-giai-phap-ung-phodich-benh-covid-19-cua-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-27488.html;

4. www.sbv.gov.vn, ww.ssc.gov.vn.