Tài chính tiêu dùng vào cuộc đua mới

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Cuộc đua trên thị trường tài chính tiêu dùng đang nóng lên không chỉ vì bản thân những "người chơi cũ" tăng cường cạnh tranh mà còn vì sự xuất hiện liên tục của những "nhân tố mới".

Các công ty tài chính ở Việt Nam đang nhận được nhiều chú ý của nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài. Nguồn: Internet
Các công ty tài chính ở Việt Nam đang nhận được nhiều chú ý của nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài. Nguồn: Internet

"Sân chơi" tài chính tiêu dùng không còn dành riêng cho các ngân hàng, các công ty tài chính, mà xuất hiện thêm nhiều "tay ngang". Các công ty tài chính ở Việt Nam đang nhận được nhiều chú ý của nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài, đa số chọn mua đứt những công ty này để mở rộng hoạt động ở Việt Nam.

Dư nợ cho vay tăng mạnh

Theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính từ mức 646.000 tỷ đồng vào năm 2016 sẽ tiến tới mốc 1.000.000 tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm.

Các chuyên gia nhận định, tính toán này hoàn toàn có cơ sở, bởi những năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới chỉ đạt mức khoảng 11,4%, nên dung lượng thị trường còn rất lớn.

Sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng khiến nhiều nhà đầu tư ngoại luôn nhòm ngó và mong muốn được sở hữu một công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng hàng loạt cuộc thâu tóm diễn ra trong thời gian qua.

Mới đây, công ty TNHH Srisawad Corporation của Thái Lan đã có công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ cho biết đã liên hệ và đàm phán với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ tháng 6/2016 về việc mua lại 100% vốn của Agribank đã đầu tư cho công ty Cho thuê tài chính ALCI thuộc chủ sở hữu của Agribank.

Được biết, Srisawad Corporation là doanh nghiệp 100% vốn Thái Lan có trụ sở tại Bangkok và là một trong những công ty con của Tập đoàn tài chính International Holding. Doanh nghiệp này hiện cũng hoạt động ở Việt Nam với 7 chi nhánh tại các tỉnh, thành Nghệ An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương chuyên hoạt động cho vay cầm đồ, cho vay trả góp.

Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) cho biết sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua mua lại các công ty tài chính của nước ngoài hoặc các công ty tài chính có cổ phần của Nhà nước.

Không chỉ có các "ông lớn" khối ngoại lên kế hoạch thâu tóm các công ty tài chính tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt cũng lấn sân sang lĩnh vực này. Chẳng hạn, hồi tháng 10/2018, Easy Credit thuộc công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) đã ra mắt thị trường gói vay tiền mặt. Thời gian đầu, Easy Credit giới thiệu gói vay tiền mặt đến khách hàng tại 5 tỉnh, thành, gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu.

Trên thị trường hiện có 18 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 6 công ty nước ngoài, 4 công ty TNHH MTV do tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu và 8 công ty cổ phần có các cổ đông là tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ trên 25%.

Giai đoạn vàng để phát triển

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với quy mô dân số lên đến 95 triệu người, tỷ lệ các công ty tài chính như hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay tiêu dùng.

Báo cáo tài chính năm 2018 của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy, tín dụng tiêu dùng vẫn là điểm sáng khi giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng. Với các công ty tài chính tiêu dùng, năm qua cũng đánh dấu một bước phát triển vượt trội khi hầu hết đều có sự gia tăng thị phần và lợi nhuận.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần trong 5 năm qua. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ này tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á lên tới 34,6%.

"Điều đó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mức tiêu thụ và gián tiếp gia tăng nhu cầu tín dụng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, cho rằng khi ngành tài chính tiêu dùng phát triển, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhờ tiếp cận được các giải pháp tài chính dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn. Vì vậy, người tiêu dùng và công chúng cũng có cái nhìn đúng đắn hơn về sản phẩm và bản chất của ngành, bức tranh ngành tài chính tiêu dùng trong tương lai sẽ khả quan hơn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng cần có rất nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ.

"Chúng ta cần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng. Cùng với đó, cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cũng như vai trò của cho vay tiêu dùng. Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như là giáo dục tài chính, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng", TS. Lực khuyến nghị.