Tăng vốn Big 4 xuất hiện trong nhiệm vụ nửa cuối năm của Ngân hàng Nhà nước

Theo Lê Hải/ndh.vn

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên phát hành trái phiếu tổng trị giá 600 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam vào ngày 10/8.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 Tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước

Trong văn bản triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước, tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (VietinBank, Vietcombank) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần.

Thống đốc kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015 để có cơ sở thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, xây dựng lộ trình tăng vốn cho các NHTM giai đoạn 2021-2026, trong đó có phần tăng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành. Agribank và VietinBank là 2 ngân hàng cần cấp thiết tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tạo tiền đề tăng trưởng các năm sau.

Tới cuối tháng 3, CAR của Agribank theo Basel II chỉ đạt 6,9%, thấp hơn mức tối thiểu 8% theo quy định. Trong khi đó, với VietinBank, Chủ tịch ngân hàng này từng cho biết hoạt động kinh doanh gắn chặt với tiến độ tăng vốn. Dù không xin vốn ngân sách, VietinBank vẫn phải chờ sửa quy định để có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu 2017-2019 để tăng vốn điều lệ. 

Vietcombank và BIDV không quá cấp thiết như 2 ngân hàng trên do đã tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Tương tự VietinBank, 2 đơn vị này cũng đang đợi để có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu mở rộng vốn. 

Theo thông tin từ cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các bộ, ngành về việc sửa đổi 3 nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã hoàn thành hồ sơ dự thảo sửa Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, 91/2015/NĐ-CP và 32/2018/NĐ-C, và lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại liên quan, để hoàn thiện hồ sơ báo cáo, hoàn thiện trình Chính phủ.  

Kiểm soát chặt nợ xấu

Về cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, Thống đốc yêu cầu tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt. 

Các TCTD có nợ xấu cao cần có biện pháp hiệu quả xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phát sinh. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ TCTD xử lý, phát mại tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Các đơn vị cần làm tốt công tác quản lý, chấn chỉnh, củng cố hoạt động quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)...

TCTD cần đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” kết hợp với đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kết quả thực hiện mục tiêu của đề án. Trên cơ sở đó, ngân hàng xây dựng đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.