Tạo động lực thúc đẩy phát triển tín dụng xanh

Hoang Lan

Chính sách tín dụng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội; góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân... Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy tín dụng xanh, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Chính sách tín dụng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội.
Chính sách tín dụng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội.

Những năm qua, Việt Nam đã có những bước cụ thể hóa kế hoạch hành động và triển khai khuôn khổ pháp lý dành cho cho lĩnh vực này. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QÐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh”.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 24/3/2015, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Tiếp đến, NHNN ban hành Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Ngày 7/8/2018, NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường… Cùng với đó, NHNN phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế.

Để hỗ trợ các tổ chức tín dụng  triển khai chính sách tín dụng xanh một cách toàn diện, trên cơ sở thành công của cuốn sổ tay đã ban hành, NHNN tiếp tục phối hợp với IFC ban hành Hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội đối với 5 ngành kinh tế khác gồm: Sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và sắc quy.

Đây là “cẩm nang” giúp các tổ chức tín dụng  nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường – xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó, giúp các tổ chức tín dụng  giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngoài ra, NHNN đã lồng ghép chương trình tín dụng xanh vào các văn bản quy phạm pháp luật do NHNN ban hành hoặc do NHNN soạn thảo trình Chính phủ ban hành.

Cùng thời điểm, các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình; một số ngân hàng thương mại cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh, nhờ đó, hoạt động tín dụng xanh đã có những chuyển biến tích cực.

Đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh, lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn là 5-8%/năm, trung - dài hạn là 9-12%/năm.

Tỷ trọng tín dụng xanh cũng tăng mạnh xét trong giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2020, từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu so sánh với nhu cầu 30,6 tỷ USD tài chính xanh đến năm 2020, thì đây đã là nguồn vốn trong nước đáng kể cho tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hơn nữa, việc xanh hoá đáng kể dòng tín dụng sẽ góp phần quyết định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.

Nắm bắt xu thế phát triển tín dụng xanh, hiện nay, nhiều ngân hàng Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ tổ chức tài chính thế giới, trong đó điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank)... Các ngân hàng thương mại không chỉ tập trung dòng vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà còn có những chiến lược thúc đẩy tín dụng xanh.

Đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh, lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn là 5-8%/năm, trung - dài hạn là 9-12%/năm.