Tiền chảy đúng chỗ?

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Theo lời kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, hàng loạt gói hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất đã được nhiều ngân hàng tung ra. Tuy nhiên, nỗi lo lắng thường trực vẫn là các gói hỗ trợ ấy sẽ không đến đúng chỗ mà được rót vào chứng khoán hay bất động sản để đầu cơ.

Theo lời kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, hàng loạt gói hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất đã được nhiều ngân hàng tung ra. Nguồn: internet
Theo lời kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, hàng loạt gói hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất đã được nhiều ngân hàng tung ra. Nguồn: internet

Ai sẽ được hỗ trợ?

Nỗi lo lớn nhất là tiền không rót vào đúng doanh nghiệp (DN) cần hỗ trợ. Chính vì vậy mà Chính phủ cần phải giám sát chặt chẽ dòng vốn chảy ra từ các gói hỗ trợ. 

Theo đó, chỉ những DN thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu, có trách nhiệm bình ổn giá hàng tiêu dùng, DN cung cấp dược, thiết bị y tế phòng chống Covid-19 mới nằm trong đối tượng được hỗ trợ. Một số ngân hàng cũng có chính sách hỗ trợ đối với khách hàng cá nhân có vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thu nhập.

Điều kiện và mức giảm lãi suất sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Mức ưu đãi và giới hạn cũng khác nhau ở từng gói cho vay, tùy theo đối tượng khách hàng và nhu cầu vay, trong đó những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn tới thu hẹp sản xuất, kinh doanh, sụt giảm doanh thu, thu nhập, dòng tiền, không có khả năng trả nợ gốc hay lãi đúng hạn, dĩ nhiên là đối tượng được quan tâm nhất.

Dù vậy, vẫn có những khách hàng dù không thuộc đối tượng được hỗ trợ, hoặc nằm trong nhóm được hỗ trợ nhưng chưa đến mức bị thiệt hại nặng nề, vẫn còn cầm cự được, cũng tìm cách để nhận được hỗ trợ từ ngành ngân hàng, nếu không hoặc chưa được đáp ứng kịp thời thì gây áp lực lên ngân hàng, đòi hỏi phải được hưởng các chính sách hỗ trợ, đe dọa kiện cáo vì ngân hàng không tuân thủ chỉ thị của cơ quan quản lý, hoặc hăm dọa sẽ chây ì trả nợ, để nợ quá hạn nếu không được đáp ứng yêu sách.

Thế khó của nhà băng

Các ngân hàng luôn chịu áp lực phải cân đối vốn đầu ra đầu vào, chi phí và lợi nhuận, nên các chính sách miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ luôn phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Mọi chính sách hỗ trợ dù có chỉ đạo nhưng không phải tất cả đối tượng đều được hưởng, mà chỉ có một số phân khúc như đã nói. Nếu nhà băng làm sai sẽ bị phạt, điều từng xảy ra trong gói hỗ trợ lãi suất 4% vào năm 2009.

Là tổ chức kinh doanh, các ngân hàng phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho cổ đông, cũng như duy trì chính sách phúc lợi cho cán bộ, nhân viên, do đó bài toán lợi nhuận phải cân đo đong đếm một cách phù hợp nhất để đảm bảo lợi ích cho các bên. Gần đây, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không được chi trả tiền mặt cho cổ đông, giảm lương, thưởng người lao động để có thêm nguồn lực giảm lãi suất hỗ trợ DN, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ngân hàng được phép muốn hỗ trợ, giải cứu, giảm lãi suất cho ai cũng được.

Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng chỉ đơn thuần là định chế trung gian huy động vốn từ khách hàng gửi tiền và trả lãi suất, rồi lấy tiền đó đem cho vay với lãi suất đầu ra tối thiểu phải cao hơn chi phí vốn bình quân đầu vào. Trong khi lãi suất cam kết trả cho khách hàng theo các hợp đồng tiền gửi là cố định, không thể giảm theo ý muốn chủ quan của ông chủ nhà băng thì lãi suất cho vay ở các hợp đồng vay vốn thường được thả nổi theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.

Trong môi trường lãi suất có xu hướng đi lên, việc cố định lãi suất đầu vào và thả nổi lãi suất đầu ra có thể mang lại lợi ích cho các ngân hàng, khi những khoản tiền gửi kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng giữ ổn định chi phí vốn đầu vào. Ngược lại, với xu hướng lãi suất đi xuống, theo thị trường hoặc từ các biện pháp can thiệp hành chính, chính sách trên có thể mang lại thiệt hại cho các ngân hàng.

Rõ ràng với tình hình hiện nay, bất chấp dịch bệnh hay thiệt hại như thế nào, ngân hàng cũng không thể gọi điện cho khách hàng huy động xin giảm bớt lãi tiền gửi. Trong khi đó, đứng ở góc độ là người được vay, ngày qua ngày, khách hàng vay vốn vẫn yêu cầu ngân hàng phải sớm giảm lãi suất, như là cách đáp ứng yêu cầu, chỉ thị của cơ quan quản lý. Trong khi phía các nhà băng, yêu cầu đặt ra chỉ ưu tiên hỗ trợ cho những DN đang ở tình thế cần “cấp cứu” nhất, nếu không sẽ quá trễ.

Dù đã sớm tung ra các gói cho vay ưu đãi hay các chính sách hỗ trợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng mỗi ngân hàng cần phải nhìn nhận và đánh giá chi phí vốn đầu vào đang ở đâu để lựa chọn cách làm phù hợp. Gần đây, nhiều nhà băng đã quyết liệt giảm lãi suất huy động đầu vào, trong bối cảnh nguồn vốn dư thừa khi chưa thể đẩy mạnh cho vay ra, tuy nhiên khung lãi suất tiền gửi mới thấp hơn so với giai đoạn trước chỉ bắt đầu áp dụng với những khách hàng gửi tiền mới hoặc đến hạn và tái tục, còn những khách hàng đã gửi kỳ hạn dài vẫn áp dụng lãi suất cố định như đã nói.

Vì vậy, để lãi suất cho vay giảm về mức thấp và đi vào thực tế áp dụng lên nhiều khách hàng, cần phải chờ đợi thêm thời gian, khi chi phí vốn của các nhà băng giảm về mức nhất định sau các chính sách giảm lãi suất tiền gửi vừa qua.