Tín dụng khó tăng, ngân hàng điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận

Theo Vân Linh/baodautu.vn

Trong bối cảnh dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rơi vào khó khăn, giảm nhu cầu vay vốn, các nhà băng buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Tín dụng khó tăng

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động ngân hàng trong quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tính đến ngày 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán mới tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%). Con số về tăng trưởng tín dụng cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đi vay giảm rõ rệt.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, tín dụng quý đầu năm tăng trưởng chậm và nếu tình hình dịch bệnh chưa giảm trong những tháng tới, thì khả năng hoạt động cho vay khó đẩy mạnh.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn, trong khi vẫn cung cấp một khoản hợp lý cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng, cho phép NHNN duy trì việc giám sát các ngân hàng địa phương (nghĩa là yêu cầu các ngân hàng quản lý chặt hơn chất lượng tài sản, tuân thủ các quy định và hỗ trợ chính sách của NHNN).

Về tăng trưởng tín dụng, ở kịch bản cơ sở, Maybank Kim Eng kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 là 12,5 - 13%. Trong báo cáo chiến lược hồi tháng 1/2020, Công ty dự báo tăng trưởng khoảng 13 - 14% khi xem xét đến cho vay mảng thế chấp nhà ở và xây dựng sẽ tăng trưởng chậm.

Điều chỉnh lợi nhuận

Dù vẫn còn 3 quý kinh doanh năm 2020, song lúc này, các nhà băng đã nhìn thấy được khó khăn phía trước, nên sẽ cân nhắc mục tiêu lợi nhuận.

Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 ở mức 800 tỷ đồng trước thuế, thấp hơn 100 tỷ đồng so năm 2019. Ngay cả “ông lớn” như BIDV cũng cho biết, trước tình hình khó khăn hiện nay, khả năng Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận khi cần thiết so với mức kỳ vọng ban đầu đưa ra, lợi nhuận trước thuế sẽ đạt khoảng 12.600 tỷ đồng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, lãi suất huy động đã giảm do tác động từ chính sách giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhưng mức giảm không nhiều bởi vẫn cần giữ ở mức đủ hấp dẫn để thu hút nguồn vốn cho hoạt động tín dụng. Các nhà băng cũng đang giảm dần lãi suất cho vay, song mức giảm cũng tùy thuộc vào đối tượng cho vay và thực hiện theo chủ trương hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vượt khó.

TS. Lực đánh giá, các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh năm 2020 sẽ không được như năm trước, nợ xấu có thể sẽ tăng. Do đó, nỗ lực tái cơ cấu hoạt động ngân hàng nhiều khả năng sẽ chậm lại. Hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng, đặc biệt là thông qua việc giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, chỉ chính sách đó là chưa đủ. Cũng là một doanh nghiệp, các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn, nên cần có thêm nhiều giải pháp như giãn, giảm thuế để bớt chật vật trong năm nay và những năm sau.

Năm 2020, kịch bản tăng trưởng tín dụng BIDV đặt ra đầu năm là 13%, nhưng NHNN yêu cầu là 9%; bán lẻ sẽ được ưu tiên, nhưng ưu tiên có chọn lọc hệ số rủi ro thấp. Các chỉ tiêu khác được xác định là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%; tổng tài sản 1.568.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức đầu tháng 3/2020, lãnh đạo BIDV cho biết, huy động vốn và dư nợ cho vay của Ngân hàng đến hết tháng 2/2020 lần lượt giảm 1,6%, gần 2%. Vì vậy, mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3 trở nên khó khăn, Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết.