Tín dụng khó tăng trưởng nhanh

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

Ngoài những ngành như du lịch, lưu trú, vận tải... bị tác động mạnh bởi dịch Covid thì vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực kinh doanh online, thanh toán trực tuyến... phát triển tương đối tốt. Đây có thể là những mảng kinh doanh mà ngân hàng tăng cường khai thác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước tình hình tín dụng vẫn tăng trưởng thấp, lãnh đạo NHNN cho biết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ngân hàng tăng tín dụng, song vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng. Vậy lĩnh vực nào hứa hẹn tiềm năng ngân hàng khai thác? Phóng viên đã phỏng vấn nhanh TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Tài chính về vấn đề này.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ

Phóng viên: Theo ông, diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 tác động thế nào đến tăng trưởng tín dụng?

TS. Nguyễn Đức Độ: Tôi nghĩ, tình hình dịch bệnh như hiện nay chắc chắn sẽ tác động đến tăng trưởng tín dụng. Hiện tại ngoài Đà Nẵng đã có thêm một số tỉnh lân cận và cả các tỉnh phía Bắc. Điều này khiến cho người dân, DN lo ngại. Khi triển vọng tương lai chưa rõ ràng, DN cũng chần chừ chưa quyết định đầu tư và mở rộng kinh doanh. Cho nên sắp tới, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bị chậm.

Mới đây lãnh đạo NHNN cho biết tạo điều kiện tốt nhất để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng hỗ trợ dài hơi hơn cho DN. Theo ông, liệu điều này có giúp cho tín dụng tăng trưởng tốt hơn không?

Tôi nghĩ là rất khó. Đến 28/7 tín dụng mới tăng 3,45%. Nay tình hình bệnh dịch như thế này, rất khó nói trước điều gì xảy ra.

Những động thái vừa qua cho thấy NHNN cũng đang làm hết khả năng của mình, cố gắng khuyến khích các ngân hàng về mặt cung. Song, để kích tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cung có, mà cầu không có thì không giải quyết vấn đề gì. Chưa kể từng ngân hàng phải tính toán bài toán lợi nhuận, nợ xấu của mình. Nên có thể NHNN nới room cho ngân hàng, nhưng việc các ngân hàng có sử dụng hết hay không lại là chuyện khác.

Nói chung tín dụng tăng là do thị trường quyết định, phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Do đó, khả năng năm nay tín dụng có thể chỉ tăng dưới 10%.

Liệu giảm thêm lãi suất có khuyến khích DN vay vốn nhiều hơn?

Tôi nghĩ rằng, khi tăng trưởng tín dụng giảm, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động do dư thừa vốn khả dụng, kéo theo lãi suất cho vay sẽ giảm. Nhưng nói chung lãi suất khó giảm sâu. Nếu muốn giảm sâu theo tôi phải có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên tác động của việc giảm lãi suất đối với tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện tại là không có nhiều ý nghĩa. Nó chỉ hỗ trợ giảm chi phí phần nào cho DN, vấn đề là DN có quyết định vay hay không? Theo tôi dù lãi suất thấp nhưng khi kinh tế khó khăn, nhiều ngành nghề lĩnh vực bị tác động mạnh như vậy tôi nghĩ cũng khó mà kích thích người dân, DN vay vốn nhiều được. Nên mấu chốt vẫn là ngăn chặn dịch bệnh. Khi đó sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại, lúc đấy DN có nhu cầu vay vốn thì tín dụng mới tăng được nhanh.

Tuy nhiên hiện vẫn có nhiều lĩnh vực đang hoạt động tốt. Vậy theo ông có nên dồn tín dụng vào những lĩnh vực này?

Đúng vậy, ngoài những ngành như du lịch, lưu trú, vận tải... bị tác động mạnh bởi dịch Covid thì vẫn còn một số DN trong lĩnh vực kinh doanh online, thanh toán trực tuyến... phát triển tương đối tốt. Đây có thể là những mảng kinh doanh mà ngân hàng tăng cường khai thác. Nhưng nói chung là không nhiều ngành được lợi từ Covid.

Đang có đề xuất đưa ra thêm gói hỗ trợ và hướng vào chính sách tài khóa nhiều hơn. Ông bình luận sao về đề xuất này?

Hiện các gói hỗ trợ đang triển khai chưa hiệu quả, tốc độ giải ngân vẫn còn chậm nên phải cân nhắc; Thay vì bổ sung thêm thì tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân nhanh gói hỗ trợ đang triển khai.

Để hỗ trợ DN, nền kinh tế, giai đoạn tới việc sử dụng nhiều chính sách tài khóa là cần thiết. Vì chính sách tài khóa sẽ có tác động mạnh, nhanh hơn do chi tiêu trực tiếp, còn chính sách tiền tệ cần thời gian mới có hiệu ứng. Ví dụ, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước chi trực tiếp tới người thụ hưởng. Trong khi chính sách giảm lãi suất của ngân hàng còn phụ thuộc vào khách hàng có nhu cầu vay vốn hay không, vay rồi có phục hồi sản xuất được không… Do vậy, những lúc này sử dụng chính sách tài khóa hiệu quả nhanh hơn là chính sách tiền tệ. Thực tế, dư địa của chính sách tiền tệ còn khá ít, theo tôi chỉ cần thực hiện thật tốt những giải pháp đang làm.

Xin cảm ơn ông!