Tín dụng ngoại tệ tiếp tục giảm tốc

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong năm nay, tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục được cắt giảm nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.

Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục được cắt giảm. Nguồn: Internet
Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục được cắt giảm. Nguồn: Internet

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế năm nay có thể giữ ở mức tương đương năm ngoái nhưng tín dụng ngoại tệ sẽ được cắt giảm. Theo đó, chỉ có xuất khẩu và vay ngắn hạn sẽ được vay ngoại tệ.

Mua ròng ngoại tệ

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, thị trường tiền tệ năm 2019 đã đi qua hơn 2,5 tháng với những diễn biến khá ổn định. Tăng trưởng tín dụng chung của toàn thị trường tính đến thời điểm hiện tại đang ở mức trên 1%, phù hợp với mục tiêu của NHNN.

Lãi suất cũng đang trong xu thế ổn định, một số ngân hàng từng tăng lãi suất huy động trước Tết nay có kế hoạch giảm lãi suất do áp lực thanh khoản giảm. Trong thời gian tới, tình trạng thanh khoản và mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tiếp tục ổn định.

Sự ổn định của thị trường đã giúp NHNN đang mua vào một lượng khá lớn ngoại tệ, dù mức độ mua không dồn dập như năm ngoái.

Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục duy trì trạng thái mua ròng ngoại tệ. Thống kê riêng tháng 1/2019 đã mua vào được 4 tỷ USD, sau khi mua ròng 6 tỷ USD trong năm 2018. Cập nhật thị trường tiền tệ tuần đầu tháng 3, nhóm phân tích của công ty Chứng khoán SSI cho biết, NHNN vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ trong những ngày đầu tháng 3.

Dù thanh khoản ngoại tệ dồi dào, nhưng Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục được cắt giảm trong năm 2019 nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.

Trước đó, cuối năm 2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng (TCTD) được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.

Các TCTD cũng được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định trên nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn.

Thu hẹp dần các nhu cầu vay

Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2019 cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ tăng nhẹ, chủ yếu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước và để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại việc giảm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ khiến lãi suất VND tăng trong thời gian tới, điều này đi ngược với chủ trương tiếp tục giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ vừa lưu ý với NHNN.

Ts. luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành trường Doanh nhân BizLight, cho rằng việc giảm và tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ không phải là yếu tố chính nâng lãi suất VND. Lãi suất cho vay VND phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là lãi suất huy động VND, chi phí hoạt động của các nhà băng, phương án vay vốn, mức độ rủi ro của phương án kinh doanh, tài sản thế chấp và uy tín của khách hàng.

Theo ông Tín, chủ trương giảm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong năm 2019 là phù hợp với quy định trong Thông tư 24, nhằm hạn chế việc cho vay USD, nhắm chủ yếu vào 5 đối tượng.

"Trước đó, NHNN cũng đã gia hạn nhiều lần việc chấm dứt cho vay ngoại tệ. Mục đích của việc này là nhằm chống đô la hóa nền kinh tế, nâng cao giá trị VND như Chính phủ đề ra cho NHNN và NHNN đang thực hiện rất đúng đắn", ông Tín nói.

Ở tinh thần chung, NHNN cũng nhiều lần nhấn mạnh định hướng lâu dài, chuyển dần quan hệ vay – gửi ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/ tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Theo số liệu của NHNN, hiện lãi suất huy động USD đang được áp dụng ở mức 0%/năm, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8- 6,0%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8- 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.