Tổ chức kinh tế rút hơn 190.000 tỷ đồng tiền gửi trong 2 tháng đầu năm
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại cuối tháng 2 giảm 4,8% so với cuối năm 2019. Công nghiệp và xây dựng vẫn đứng đầu về tỷ trọng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng đến cuối tháng 2 ở mức 10,67 triệu tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng hơn 3,9%, ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 3,77 triệu tỷ đồng, giảm hơn 4,8%, tương đương giảm hơn 190.000 tỷ đồng. Mức giảm này lớn hơn so với con số 2,87% của cùng kỳ năm 2019. Dựa theo số liệu từ NHNN có thể thấy các doanh nghiệp có xu hướng giảm tiền gửi vào đầu năm tháng 1 đến tháng 4 và gửi mạnh trở lại từ tháng 5.
Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ở mức 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 0,17% tại thời điểm cuối tháng 2 so với đầu năm. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đứng đầu chiếm 29% tổng dư nợ, theo sau là hoạt động thương mại vận tải, viễn thông chiếm 24% và lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,7%, còn lại là các hoạt động dịch vụ khác.
Tính đến hết quý I, Thống đốc NHNN cho biết dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng 1,3%, đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, sự cải thiện đã xuất hiện, tích cực qua từng tháng, trong đó tín dụng tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%). Thống đốc cho biết tín dụng toàn hệ thống dự kiến tăng 11-14% trong cả năm.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, mức giảm lãi suất phổ biến 2 - 2,5%/năm.
Tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng, miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126 nghìn tỷ đồng và cho vay mới 65.208 tỷ đồng với 354.286 khách hàng.